Ông Putin trong một lần chủ trì cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Matxcơva - Ảnh: REUTERS |
Theo hãng tin Reuters, thông báo trục xuất 4 nhà ngoại giao Pháp được chính quyền Nga công bố ngày 30-3 giờ địa phương.
Trước đó, ngày 26-3, Pháp cũng đã trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga.
Sau tuyên bố đáp trả của Nga, Bộ ngoại giao Pháp cho biết: "Quyết định của Nga trong việc trục xuất 4 nhân viên đại sứ quán Pháp không khiến chúng tôi ngạc nhiên. Chúng tôi rất tiếc về chuyện này và muốn chỉ ra rằng cho tới hôm nay Nga vẫn từ chối đưa ra bất cứ giải thích nào về vụ tấn công ở Salisbury".
Căng thẳng tăng nhiệt
Trước đó cùng ngày 30-3 Bộ ngoại giao Nga cũng đã trục xuất 59 nhà ngoại giao của 23 quốc gia khác liên quan tới vụ việc cha con cựu điệp viên Nga hai mang Sergei Skripal và Yulia bị đầu độc tại thành phố Salisbury của Anh ngày 4-3.
Theo hãng tin AFP Bộ ngoại giao Nga thông báo đã triệu tập những người đứng đầu các phái đoàn ngoại giao của 23 quốc gia, hầu hết trong đó là các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), tới để thông báo việc một số nhà ngoại giao của họ phải rời khỏi Nga.
Người ta đã thấy các nhà ngoại giao của Pháp, Canada, Đức, Úc cùng nhiều nước khác đã tới trụ sở Bộ ngoại giao Nga bằng xe công vụ.
Các nước Pháp, Đức, Canada và Ba Lan cho biết Nga yêu cầu trục xuất mỗi nước 4 nhà ngoại giao. Yêu cầu tương tự cũng được đưa ra với các nước Hà Lan, Thụy Điển, CH Czech, Phần Lan, Lithuania và Na Uy.
Động thái là đòn đáp trả của Nga trước việc Anh và các đồng minh đồng loạt trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga tại các nước.
Bộ ngoại giao Nga cũng cho phía Anh thời hạn 1 tháng để cắt giảm số nhân viên ngoại giao nước này tại Nga xuống bằng đúng số nhân sự ngoại giao Nga đang có ở Anh.
Nga cũng tuyên bố nước này có quyền để đáp trả lại việc các nhà ngoại giao của họ bị trục xuất tại các nước Bỉ, Hungary, Georga và Montenegro.
"Nga không phát động chiến tranh"
Tại điện Kremlin, tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, thảo luận về những động thái đáp trả gần đây nhất với Anh và các đồng minh của Anh.
Dù vậy điện Kremlin khẳng định Nga không phải nước phát động trước cuộc chiến ngoại giao với phương Tây.
Người phát ngôn của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, nói: "Nga không gây ra bất cứ cuộc chiến ngoại giao nào. Nước Nga chưa bao giờ khởi xướng bất cứ những lệnh trừng phạt qua lại".
Cho tới nay tổng cộng đã có hơn 150 nhà ngoại giao Nga bị yêu cầu rời khỏi Mỹ, các nước EU, các nước thành viên NATO và một số nước khác đồng quan điểm trong việc cáo buộc Nga liên quan vụ đầu độc cựu điệp viên.
Trên các đường phố tại Saint Petersburg, nhiều người dân tại đây cho biết họ hoan nghênh quyết định đóng cửa tổng lãnh sự mỹ tại thành phố này.
"Đây quả là một tin tốt lành", ông Viktor Glushko, một người dân 60 tuổi nói. "Đó chỉ là vấn đề thời gian. Các quan hệ sẽ không thể tốt hơn vì họ chưa bao giờ tốt cả và chúng tôi sẽ vẫn ổn mà không cần họ"
Trong khi đó một người đàn ông khác hô lớn "Hãy biến khỏi đây!" khi ông này đi qua lãnh sự Mỹ trong lúc các nhân viên ngoại giao đang chất các túi đồ lên xe ngày 30-3.