Trang mạng Công nghiệp Quốc phòng Nga cho hay, 10 năm gần đây việc nghiên cứu xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới dường như là một trong những vấn đề cấp bách thực sự của Lục quân Nga. Bộ quốc phòng Nga có kế hoạch đưa tổng số xe tăng của Quân đội Nga duy trì ở mức khoảng 10.000 xe.
Lục quân Nga cũng có kế hoạch chi 80,6 tỷ USD trong khuôn khổ đại cương mua sắm vũ khí quốc gia để mua hệ thống tên lửa phòng không cơ động S-300V4, khoảng 2.000 pháo tự hành, hơn 30.000 xe ô tô và 2.300 xe tăng bao gồm xe tăng cả thế hệ mới nhất Armata thay thế T-72, T-80 và T-90 để biên chế cho các lữ đoàn thiết giáp vào trước năm 2020.
Mô hình xe tăng lạ được cho là Armata của Nga. |
Xe tăng Armata tuy đã được trưng bày tại triển lãm vũ khí Nizhny Tagil hồi tháng 9, nhưng không mở cửa cho công chúng vì tính năng kỹ chiến thuật của loại tăng này tạm thời được bảo mật chặt chẽ.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, sự ra đời của mẫu thử nghiệm xe tăng mới là thắng lợi của ngành công nghiệp quân sự Nga, dự kiến sẽ được trang bị cho quân đội trong năm 2014 – 2015. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yury Borisov tiết lộ, lô xe tăng Armata đầu tiên sẽ được giao cho quân đội thử nghiệm vào năm 2014.
Theo biên tập viên của tờ báo tổng hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, xe tăng chủ lực kiểu mới là một trong những thần tượng của quân đội hiện đại Nga. So với các loại vũ khí mới khác, xe tăng Armata trở thành một trong những “vũ khí tương lai” hiện đại của quân đội Nga.
Khi đề cập đến thị trường xuất khẩu trong tương lai của xe tăng Armata, Phó Chủ tịch Ủy ban nghị viện Nga kiêm Phó chủ tịch thứ nhất Hiệp hội chế tạo cơ khí Nga cho biết, loại vũ khí này không thể bán với số lượng ít.
Gần đây, Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng muốn mua loại xe tăng này nhưng theo Phó chủ tịch ủy ban nghị viên Nga cần phải thận trọng với lời đề nghị của Trung Quốc.
Ảnh đồ họa siêu tăng Armata. |
Việc Nga thận trọng với Trung Quốc một phần là do nước này đã sao chép không ít công nghệ vũ khí tối tân của Nga, thậm chí sau đó còn đưa ra thị trường xuất khẩu cạnh tranh lại với vũ khí Nga. Hiện nay, rất nhiều mẫu vũ khí Trung Quốc thành công trên thị trường xuất khẩu là được thiết kế dựa trên vũ khí Nga.
Ông này cũng cho biết thêm rằng, cần phải xem xét đến lợi ích của Quân đội Nga, phải đưa việc thay thế mới vũ khí trang bị của Quân đội Nga là nhiệm vụ ưu tiên, sau đó mới có thể cung cấp vũ khí này cho đối tác chiến lược, nước láng giềng cũng như các nước trong tổ chức hợp tác Thượng Hải.
Ngoài ra còn phải mở rộng thị trường mới, bao gồm thị trường mới mà công ty xuất khẩu quốc phòng của Nga hiện phát triển rất thành công, ngay cả ở Venezuela, Brazil, cũng như Panama. Đối với việc cung cấp vũ khí trang bị Nga cho các nước Trung Đông cũng cần phải xác định rõ là vấn đề lớn, mà vấn đề lớn hơn là cạnh tranh với công ty công nghiệp quốc phòng phương Tây.