“Con đường tơ lụa” bao gồm cả tuyến đường sắt cao tốc Moscow-Kazan, mà Nga và Trung Quốc vừa ký kết xây dựng. |
Báo chí Nga nhận định từ trước đến nay, Bắc Kinh chỉ dừng lại ở việc nói chung chung về "hành lang kinh tế" nối liền Trung Quốc với các nước Trung Á và Châu Âu. Bây giờ, những con số cụ thể đã được đề cập. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc vừa công bố kế hoạch "Một vành đai, một con đường" nói trên có số vốn đầu tư dự định hơn 890 tỷ USD và thực hiện khoảng 900 dự án ở 60 quốc gia trên thế giới.
Tại Diễn đàn quốc tế ở Trùng Khánh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ tuyên bố: Trung Quốc muốn xây dựng 6 hành lang kinh tế nối liền hai châu lục Á-Âu. Cụ thể gồm các tuyến đường Trung Quốc-Mông Cổ-Nga; Cầu đường bộ Á-Âu mới; Trung Quốc-Trung Á-Tây Á; Trung Quốc-Bán đảo Đông Dương;Trung Quốc-Pakistan và Trung Quốc-Myanmar-Bangladesh-Ấn Độ. Kinh phí cho các dự án nói trên chủ yếu do Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Quỹ Con đường tơ lụa cung cấp.
Nếu như trước kia nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Trung Quốc vượt trội đáng kể so với nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài, thì nay tình hình đã thay đổi. Dự án “Con đường tơ lụa” khuyến khích doanh nhân Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài. Họ trước tiên nghĩ đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, đường sắt, đường bộ, đường không. Và không dừng lại ở đó, họ cũng hướng đến ngành nông nghiệp và các lĩnh vực khác của nền kinh tế thế giới.
“Con đường tơ lụa” bao gồm cả tuyến đường sắt cao tốc Moscow-Kazan, mà Nga và Trung Quốc vừa ký kết xây dựng. Ngoài ra, hai bên trước đó cũng đã ký nghị định thư về việc xây dựng từng phần tuyến đường cao tốc Bắc Kinh-Moscow, cho phép nối liền thủ đô hai nước Nga và Trung Quốc chỉ với 33 giờ tàu chạy, một quãng thời gian ngắn kỷ lục.
Trong thời gian ông Tập Cận Bình có mặt tại Moscow tham dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít, Nga và Trung Quốc đã cam kết sẽ hỗ trợ nhau trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEC) do Nga giữ vai trò chủ đạo và “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc. Điều đó cũng đồng nghĩa việc các bên sẽ cố gắng để thành lập các khu vực thương mại tự do.
Có thể thấy rõ tuyến đường sắt cao tốc Moscow-Kazan đóng vai trò quan trọng với Nga. Và đoạn nối tiếp từ Kazan tới biên giới với Kazakhstan cũng cần thiết, để có thể nối liền hai đầu tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Moscow. Tuy nhiên, liệu Nga có cần tuyến đường sắt cao tốc Moscow-Bắc Kinh? Đây là một câu hỏi lớn. Và để xây dựng tuyến đường này đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ. Ai sẽ là người đầu tư? Nếu Trung Quốc đầu tư, thì tuyến đường đó sẽ là của ai?
Và sẽ còn nảy sinh nhiều câu hỏi khác xung quanh tuyến đường xuyên Siberia này. Và chắc chắn, bên cạnh những mối lợi, “Con đường tơ lụa” cũng kéo theo những hậu quả tiêu cực.
Nga đang đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn. Nếu Moscow từ chối tuyến đường qua Kazakhstan, Trung Quốc sẽ chuyển mối quan tâm sang tuyến đường qua Trung Á và Trung Đông. Và Nga sẽ bị bỏ lại bên lề đường. Bởi vậy, Nga khó có thể ngoảnh mặt làm ngơ với “Con đường tơ lụa”, cho dù nó sẽ kéo theo cả "bụi đường".
Vấn đề của Nga lúc này là càng giảm thiểu rủi ro, giảm thiểu "bụi đường"… Nhưng ai dám khẳng định rằng với "Một vành đai - một con đường", Trung Quốc sẽ chỉ dừng lại ở tham vọng kinh tế?