Chủ tịch Duma Nga Vyacheslav Volodin. Ảnh: Tass |
Ngày 10/12, Chủ tịch Duma Nga Vyacheslav Volodin đã yêu cầu Pháp, Đức bồi thường cho cư dân ở vùng Donbass sau lời thừa nhận của bà Angela Merkel về mục đích thực sự của Thỏa thuận Minsk.
"Tuyên bố của bà cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel có nghĩa rằng Pháp và Đức phải chịu một phần trách nhiệm về những gì đang diễn ra tại Ukraine. Hai nước này sẽ phải bồi thường cho cư dân của vùng Donbass, những người đã phải chịu đựng cuộc xung đột kéo dài 8 năm với nhiều thiệt hại về người và của" - Tass dẫn tuyên bố của ông Volodin nêu rõ.
Trong khi đó, theo RT, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 9/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông cảm thấy thất vọng trước phát ngôn của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel liên quan đến Thỏa thuận Minsk.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) tại Bishkek, Kyrgyzstan. Ảnh: Sputnik |
Theo Tổng thống Putin, phát biểu của bà Merkel một lần nữa chứng minh rằng, việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine là một quyết định đúng đắn. "Hóa ra, không ai có ý định thực hiện bất kỳ cam kết nào của Thỏa thuận Minsk" - ông Putin nói, nhắc lại việc cựu Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko gần đây cũng thừa nhận rằng, ông không có ý định tuân thủ các cam kết trong các Thỏa thuận Minsk sau khi ký vào năm 2014 và 2015.
Người đứng đầu Điện Kremlin cho biết lời thừa nhận của bà Merkel đặt ra một câu hỏi quan trọng về lòng tin. “Lòng tin đã gần như bằng 0, nhưng sau những tuyên bố như vậy, làm sao chúng ta có thể thương lượng? Chúng tôi có thể thực hiện thỏa thuận với mọi người không? Và đâu là sự đảm bảo?” - Tổng thống Putin đặt câu hỏi.
Các tuyên bố mới nhất được Tổng thống Putin và Chủ tịch Hạ viện Nga đưa ra sau khi cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng các Thỏa thuận Minsk ký kết năm 2014 và 2015 với mục đích kéo dài thời gian nhằm giúp Ukraine xây dựng năng lực quốc phòng. Trong cuộc phỏng vấn với báo Die Zeit hôm 7/12, cựu Thủ tướng Merkel cho biết Ukraine đã dùng khoảng thời gian thỏa thuận hòa bình Minsk có hiệu lực để trở nên mạnh mẽ hơn.
Thỏa thuận Minsk - do Đức và Pháp làm trung gian - được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014 sau khi Tổng thống Ukraine khi đó là Viktor Yanukovich bị lật đổ. Ukraine lúc này rơi vào cuộc xung đột giữa chính phủ hậu đảo chính ở Kiev với các vùng Donetsk và Lugansk. Hai khu vực thuộc Donbass sau đó tuyên bố độc lập khỏi Ukraine.
Thỏa thuận Minsk được xây dựng để trao cho các vùng Donetsk và Lugansk cơ chế đặc biệt trong nhà nước Ukraine. Tuy nhiên, việc triển khai thỏa thuận này đã bị đình trệ – điều mà Moscow đổ lỗi cho Kiev.
Vào tháng 2, Nga công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở Donbass là các quốc gia độc lập, đồng thời yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia bất kỳ khối quân sự phương Tây nào. Ngày 24/2, Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine với lý do Kiev không thực hiện Thỏa thuận Minsk. Vào thời điểm đó, Tổng thống Putin đã nói về sự cần thiết phải bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga ở Donbass.
Hồi tháng 10 vừa qua, bốn vùng lãnh thổ trước đây của Ukraine là Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, cũng như các tỉnh Kherson và Zaporozhye, đã được sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, Kiev tuyên bố không công nhận kết quả này.