Buổi tối trước hôm ông ra đi, Sài Gòn chưa bao giờ mưa nhiều đến thế. Như một điềm báo trước, đêm hôm đó, trong giấc ngủ chập chờn con mơ thấy nụ cười hiền lành của ông, con choàng tỉnh dậy thì thấy cuộc gọi nhỡ từ Hà Nội vào từ rất sớm, đôi bàn tay con run lên và nghĩ về điều chẳng lành. Cầm điện thoại lên nhấn nút gọi lại, nghe tin ông đã ra đi mãi mãi, tim con đau nhói nhưng ko sao khóc nổi. Con biết điều này rồi cũng sẽ đến nhưng sao khó chấp nhận quá ông ơi!
Cháu gái Thiên Linh (tác giả) cùng ông - nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu |
Trong vô thức con chỉ muốn ra thật nhanh với ông, để còn có cơ hội nhìn mặt người ông thân thương của con lần cuối. Con vội vàng đi thật nhanh ra sân bay, nhưng do máy bay gộp chuyến mùa dịch nên tận 12h trưa mới có chuyến bay ra Hà Nội. Ngồi chờ hơn 3 tiếng ngoài sân bay, những kỉ niệm về ông hiện về, nước mắt con rơi lã chã, con chợt nhớ lời ông dặn “Khi ông mất con đừng khóc nhé!”. Con vội lấy tay lau thật nhanh nhưng không hiểu sao nước mắt vẫn không ngừng chảy.
Con may mắn khi có duyên làm cháu của ông, ông đã truyền cho con nhiều năng lượng tích cực, cách đối nhân xử thế, tình yêu con người và cuộc đời chan chứa. Ông giúp con hiểu rằng, dù chỉ được sống một ngày trên đời nhưng hãy sống sao cho có ý nghĩa nhất. Cũng chính vì thế mà ngoài cha mẹ con ra thì ông là người mà con yêu thương, kính trọng và mang ơn nhất. Không có ông sẽ ko có con của ngày hôm nay.
Con nhớ như in ngày con ra trường đi làm báo. Ông gửi con vào báo Đại Đoàn Kết, dặn dò đủ điều, dúi vào tay con hành trang đi làm báo là 1 chiếc máy ảnh, máy ghi âm, máy tính. Ông bảo cố làm cho tốt và đặt cho con bút danh là “Thiên Linh”. Cái tên đó theo con đến tận bây giờ.
2 năm đi làm báo cũng là 2 năm con hạnh phúc nhất. Trưa nào cũng về Phan Đình Phùng ăn cơm trò chuyện cùng ông. Con đi làm, mất xe máy, ông mắng xong nhưng sáng mai lại mua cho con chiếc xe mới. Ông còn đùa “đầu tư cho mày tốn kém quá mà chưa được ăn khao bữa nào con ạ”...
Tác giả Thiên Linh ghi lại trên sổ tang. |
Ngày con quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp, mắt ông buồn buồn nhưng vẫn đùa con từ nay không có người đánh máy cho ông nữa rồi. Ông gửi con vào làm chỗ một người quen và xoa đầu con dặn dò :”dù ở đâu cũng phải cố gắng con nhé!”. Hoàng Phúc, con trai con cũng là do ông đặt tên để mong may mắn, hạnh phúc sẽ đến với gia đình con.
Càng gần ông, con càng yêu quý kính trọng ông nhiều hơn. Nếu như trong công việc, ông cương trực, thẳng thắn, thì trong cuộc sống thường ngày, ông lại càng giản dị, gần gũi vô cùng. Món ăn ông yêu thích là món khoai lang quê mình, hàng ngày ông vẫn tự tay mình giặt quần áo và đánh cờ cùng mọi người.
Cả cuộc đời của ông là một tấm gương cống hiến hết mình cho Đất Nước và Nhân dân. Vì bận lo việc Nước nên ông không có nhiều thời gian dành cho bản thân, gia đình và ông cũng ít khi được về thăm quê, dù lòng ông lúc nào cũng đau đáu về quê hương Thanh Hóa. Ông vẫn mong muốn khi về hưu sẽ được về quê sống, nhưng vì việc Nước chưa xong nên mong ước ấy vẫn chưa thể thực hiện được!
Ngày ông ốm, con từ Sài Gòn ra thăm ông, ông nắm bàn tay con thật chặt, miệng lắp bắp và nước mắt ông cứ trào ra. Con thì thầm vào tai ông rằng “con yêu ông lắm” con biết ông muốn dặn dò con nhiều điều nhưng không sao nói được. Hai dòng nước mắt con trào ra nhưng vội quay đi để ông không nhìn thấy.
Ông ạ! Cả quê hương Thanh Hóa, cả gia đình mình tự hào vì có ông. Cuộc chia ly với ông nó sẽ mãi là cuộc chia ly màu tím. Màu ông yêu thích, màu của thủy chung, nó tượng trưng cho tấm lòng sắc son của ông với Quê Hương, Đất nước, với xứ Thanh Quê mình. Còn đối với con, con sẽ mãi nhớ về ông. Ngày mai cả gia đình mình sẽ tiễn ông đi. Ông sống giản dị, chân thành, ông đi bình an, thanh thản ông nhé!
Nếu có kiếp sau con vẫn mong làm cháu của ông!
Con Thiên Linh.
>>> Xem thêm video: Điếu văn tang lễ Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Nguồn VTC Now