Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải vừa phát đi công văn yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo Vietravel Airlines làm rõ năng lực tài chính trước khi cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho doanh nghiệp này.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2020 của Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel - chủ sở hữu của Vietravel Airlines), doanh thu thuần quý 2 giảm mạnh, từ mức 2.204 tỷ đồng xuống còn 205 tỷ đồng, giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, phần lớn số sụt giảm đến từ mảng dịch vụ lữ hành - mảng cốt lõi của Vietravel.
Ảnh minh họa. |
Trước đó, hoạt động này của công ty cũng chịu tác động rất mạnh trong quý I khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và lây lan ra nhiều quốc gia.
Doanh thu du lịch sụt giảm mạnh là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietravel chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng trong quý II, giảm 96% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh đình trệ trong quý cũng khiến các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của công ty giảm mạnh nhưng vẫn tiêu tốn hàng chục tỷ đồng.
Kết quả, công ty ghi nhận khoản lỗ trước thuế gần 38 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 23 tỷ. Lợi nhuận ròng sau thuế Thu nhập doanh nghiệp của nhà điều hành tour này ở mức âm 38 tỷ đồng, và là quý lỗ ròng thứ 3 liên tiếp.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Vietravel ghi nhận doanh thu thuần 994 tỷ đồng, lỗ sau thuế 80 tỷ đồng.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính cũng cho thấy, tính đến hết quý II, tổng nợ vay của Vietravel là 1.770 tỷ đồng, gấp 10 lần vốn chủ sở hữu là 164 tỷ đồng.
Như vậy, trong bối cảnh dịch COVDI-19 có thể còn tiếp tục kéo dài trong năm 2020 - 2021 và ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh như 6 tháng đầu năm 2020 thì Công ty mẹ Vietravel có khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Thêm nữa, phương án dự kiến Vietravel Airlines sẽ bị lỗ trong năm đầu khai thác - năm 2021.
Trong vận tải hàng không, cơ cấu chi phí hoạt động kinh doanh tập trung vào các cấu phần chính gồm: chi phí nhiên liệu, chi phí thuê vào bảo dưỡng bắt buộc với đội tàu bay, chi phí nhân công, chi phí khấu hao và các chi phí dịch vụ hàng không…
Riêng đối với chi phí nhiên liệu, đây là loại chi phí đang chiếm tỉ trọng lớn nhất trong các loại chi phí. Với Vietnam Airlines, hãng này đã chi khoảng 39.045 tỷ đồng cho nhiên liệu bay năm 2018, chiếm 42,5% trên tổng chi phí. Với Vietjet Air, tỉ lệ chi phí nhiên liệu trên tổng chi phí hoạt động thậm chí còn lớn hơn với tỉ lệ lên đến 43,8%.
Xếp các vị trí tiếp theo, chi phí thuê, bảo dưỡng động cơ tàu bay của Vietnam Airlines chiếm khoảng 22,5% (một trong những cấu phần của chi phí thuê ngoài); chi phí thuê nhân công chiếm khoảng 10,5%; hay chi phí khấu hao khoảng 5,5%.
Ở Vietjet Air, báo cáo tài chính công ty này cho thấy chi phí hãng bay bỏ ra để sử dụng các dịch vụ hàng không là rất lớn. Năm 2018, Vietjet chi khoảng 2.700 tỉ đồng cho dịch vụ khai thác mặt đất, 35 tỉ đồng cho khối an ninh đảm bảo chất lượng bay, 202 tỉ đồng cho vận chuyển dịch vụ hàng hóa. Tổng số các dịch vụ này chiếm gần 10% chi phí hoạt động.
Ngoài ra, các hãng hàng không còn phải bỏ ra số tiền không nhỏ để trả lương, bảo dưỡng tàu bay...