Trong khi lái xe qua cây cầu đường bộ đã 50 năm tuổi, cầu thủ người Italy đang chơi cho đội bóng nghiệp dư Legino bất ngờ thấy đoạn đường biến mất trước mặt, kéo theo cả chiếc ô tô có anh ngồi trong đó xuống dưới.
“Tôi đã nghĩ rằng chuyện này sẽ có kết cục tồi tệ. Nhưng nhờ Chúa, tôi vẫn sống để kể về chuyện đó. Thật kỳ diệu”, Capello tường thuật cho phóng viên địa phương về vụ sập cầu tại Italy.
Xe ô tô của anh Davide Capello mắc kẹt trong đống đổ nát. |
Capello hồi tưởng: “Tôi nghe thấy tiếng động lớn và mọi thứ đều sụp đổ. Xe ô tô của tôi rơi xuống khoảng 30 m và bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Một số người đã giúp kéo tôi ra. Thật kỳ diệu, tôi không bị thương, chiếc xe cũng không bị nghiền nát”.
Cầu thủ người Italy Capello đang chơi cho đội bóng nghiệp dư Legino. |
Hàng chục phương tiện đã rơi từ độ cao hơn 90m xuống mặt đất khi cây cầu 50 năm tuổi Morandi bất ngờ sập đổ vào 11h30 ngày 14/8.
Tính đến thời điểm này, số người thiệt mạng trong vụ sập cầu được xác nhận chính thức là 22, song con số ước tính chính xác là 35 vì có nhiều thi thể mới được phát hiện trong đống đổ nát. Gần 300 nhân viên cứu hộ khẩn cấp đã được điều động tới hiện trường cùng chó nghiệp vụ để tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Lính cứu hỏa lo sợ các đường ống dẫn khí sẽ phát nổ trong khu vực cầu sập.
Hình ảnh tan hoang hiện trường vụ sập cầu. |
Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini cam kết sẽ buộc những người có trách nhiệm về thảm kịch này “trả giá”.
Theo một số nhân chứng, cây cầu đã bị trúng sét và rất có thể đó là nguyên nhân khiến cây cầu đổ sụp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kỹ thuật, trường hợp cầu sập vì sét đánh trong trường hợp này là phi lý.
“Đối với một cây cầu như này mà để sập, phải có nguyên nhân nghiêm trọng mà không ai để ý trong quá trình bảo dưỡng và kiểm tra”, Agathoklis Giaralis – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công trình Kỹ thuật Dân sự Đại học London giải thích.
Trong khi đó, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Edoardo Rixi lên tiếng: “Không thể chấp nhận được một cây cầu quan trọng như này mà lại vướng vào thảm kịch sập cầu. Người dân sống tại Genoa đi qua cầu 2 lần mỗi ngày. Chúng ta không thể sống với cơ sở hạ tầng xây từ những năm 1950-1960 được”.
Cây cầu đường bộ được xây dựng từ năm 1967, bắc qua sông Polcevera, đi qua một đường ray xe hỏa, khu dân cư và khu công nghiệp. Năm 2016 cây cầu được tiến hành tu sửa.
Trong một tuyên bố, Chính phủ liên minh Italy cho biết: “Cây cầu được giám sát liên tục, nó chưa từng bị coi là nguy hiểm”. Song chính quyền khẳng định đất nước cần phải chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, vượt qua những hạn chế ngân sách của EU nếu cần thiết.
Phó Thủ tướng Matteo Salvini bày tỏ: “Chúng ta nên tự hỏi liệu việc tôn trọng các giới hạn ngân sách này có quan trọng hơn sự an toàn của công dân Italy hay không”.
Italy đã chi hơn 12.5 tỷ bảng Anh cho hệ thống cầu đường trong năm 2006 nhưng chi phí đó đã giảm xuống còn 3.5 tỷ bảng vào năm 2010.