Vào tháng 5/2011, hàng triệu người trên thế giới đã chứng kiến tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda chính thức bị xóa sổ sau khi trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt.
Tất cả những nhân vật quan trọng của tổ chức khủng bố này hoặc là bị giết hoặc là bị bắt giam: Anwar al - Awlaki, một thủ lĩnh Hồi giáo mang hai dòng máu Yemen và Mỹ, một trong những "nhà tuyển dụng" cao cấp nguy hiểm nhất của al-Qaeda bị giết bốn tháng sau Bin Laden; Tư lệnh chiến trường Abu Musab al - Zarqawi, người lập kế hoạch tác chiến Abu al-Libi Layth, chuyên gia vũ khí hóa học Abu Khabab al-Masri và Giám đốc tài chính Saeed al-Masri; ngay cả lái xe, bảo vệ và con trai của Bin Laden cũng đã bị giết. Theo đó, sự hiện diện quân đội của Mỹ tại Iraq được cho là nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố cũng đã kết thúc.
Lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria bên thi thể các tay súng được cho là phiến quân IS tại thị trấn Safireh. |
Tuy nhiên, chủ nghĩa khủng bố không phải là vấn đề về thủ lĩnh hay động cơ của chúng, mà là về một hệ tư tưởng được thúc đẩy bởi những người thuyết giảng, nhân vật quyền lực, người hướng dẫn và các tín đồ của chủ nghĩa cực đoan. Những kẻ này còn nguy hiểm hơn Bin Laden và al-Zarqawi bởi chúng có khả năng "sản sinh" ra các thế hệ lãnh đạo và các tổ chức với các khẩu hiệu khác nhau và ở các khu vực khác nhau. Chúng đã tạo ra Abu Bakr al-Baghdadi để thay thế Bin Laden và Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria để thay thế al-Qaeda. Syria đã trở thành một chiến trường mới và các video của Bin Laden đã được thay bằng cách dùng các trang mạng xã hội "Twitter", "Facebook" và "WhatsApp".
Các cuộc tấn công khủng bố đã bắt đầu tái diễn nhưng "hậu duệ" của các nhóm khủng bố dường như có sự khác biệt so với "bậc tiền bối" khi không chỉ phát triển về quy mô mà còn có thêm nhiều chuyên gia và có tầm ảnh hưởng cũng lớn hơn. Bọn khủng bố đã "hạ gục" một chiếc máy bay dân sự của Nga trên bán đảo Sinai bằng cách gài bom và thực hiện một loạt cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris (Pháp) hôm 13/11 vừa qua. Một chi nhánh khủng bố ở Nigeria đã vượt qua biên giới Mali và bắt giữ con tin ở khách sạn Radisson Blu tại thủ đô Bamako. Sau đó, IS tuyên bố đã bắt giữ và hành quyết một con tin người Trung Quốc và đe dọa tiến hành các hoạt động khủng bố mới tại Mỹ...
Nhà báo Abdulrahman al-Rashed đưa ra 5 sai lầm nghiêm trọng khiến chủ nghĩa khủng bố hồi sinh: Sai lầm nghiêm trọng nhất là nhiều người nghĩ rằng đã hiểu về chủ nghĩa khủng bố mới, với việc tin rằng một tổ chức khủng bố sẽ bị sụp đổ cùng với cái chết của thủ lĩnh. Sai lầm thứ hai là "quá tin" vào các tuyên bố của khủng bố. Lịch sử chứng minh al-Qaeda đã sinh ra 6 năm trước khi cuộc xâm lược Iraq diễn ra và tổ chức này đã lớn mạnh hơn sau khi Mỹ rút quân. Sai lầm thứ ba là giải pháp rút khỏi khu vực khủng hoảng, cụ thể là Mỹ đã rút quân khỏi Iraq và từ chối tham gia các hoạt động quân sự tại Syria. Sai lầm thứ tư là tham gia các "trò chơi giáo phái" bằng cách hỗ trợ người hồi giáo theo dòng Shi'ite hay Sunni chống nhau. Sai lầm thứ năm và quan trọng nhất là dùng phương pháp khoan dung với những tư tưởng cực đoan - đây được coi là một vấn đề lớn và là nguồn gốc sức mạnh của chủ nghĩa khủng bố.
Theo một số nhà nghiên cứu, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ngày nay chính là chủ nghĩa phát xít trước đây khi dựa trên các khái niệm về phân biệt đối xử và tư tưởng loại bỏ. Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan dựa trên lòng trung thành tuyệt đối với một ý thức hệ mù quáng và lòng thù hận, thù địch chống lại những người khác, kể cả người Hồi giáo. Do đó, theo quan điểm của nhà báo Abdulrahman al-Rashed, muốn loại bỏ al-Qaeda, IS, Boko Haram hay al-Shebab... trước hết cần tìm hiểu kỹ ý thức hệ của chúng và sau đó là những biện pháp cứng rắn và lâu dài.