Cụm công trình Kênh nối Đáy-Ninh Cơ đang được xây dựng. |
Chính quyền địa phương “lúng túng” triển khai công trình nước sạch hoàn trả?
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, để không ảnh hưởng đến kết cấu cầu vượt, phương án hoàn trả tuyến ống nước sạch đi ngầm dưới đáy kênh là khả thi nhất, nhiệm vụ này được tách ra, chuyển sang phần giải phóng mặt bằng giao cho địa phương thực hiện.
Tuy nhiên, UBND huyện Nghĩa Hưng lại có văn bản đề nghị trả lại “nhiệm vụ” trên cho Bộ GTVT, với lý do là công trình hoàn trả có “nhiều yếu tố kỹ thuật ngoài chức năng, nhiệm vụ của UBND huyện Nghĩa Hưng”. Công ty CP Phát triển TNMT Đông Dương được UBND huyện Nghĩa Hưng ký hợp đồng tư vấn kinh tế-kỹ thuật, trong hồ tư vấn cũng nêu: Phương án đi nổi là không khả thi vì “sẽ đi vào ngõ cụt” do không thuận lợi cho chủ đầu tư WB6.
Công ty Mai Thanh đã kiên trì đề xuất phương án đi nổi (có trụ đỡ độc lập hoặc đi dọc 2 bên thân cầu) nhưng đã bị UBND huyện Nghĩa Hưng cùng phía Dự án WB6 gạt đi một cách vô lý.
Thực tế, ngoài việc cùng nhau thống nhất gạt bỏ đề xuất phương án đi nổi của Công ty Mai Thanh, bà Thanh còn cho rằng UBND huyện Nghĩa Hưng đã thể hiện sự lúng túng trong triển khai công trình hoàn trả, khi phải tới 3 lần ban hành 3 quyết định phê duyệt thay thế nhau điều chỉnh, bổ sung thiết kế kinh tế, kỹ thuật.
Trước sự việc trên, Giám đốc Công ty Mai Thanh đã làm đơn khiếu nại và kêu cứu khắp nơi. Đồng thời, bà Thanh cũng gửi đơn thư trực tiếp đến Bộ trưởng Bộ GTVT, cùng đó là nhắn tin vào số điện thoại cầm tay của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Ông Thể cho biết, sẽ phân công Thứ trưởng Sang (Nguyễn Xuân Sang-PV) phụ trách dự án làm việc với Công ty Mai Thanh.
Bên cạnh đó, bà Thanh cũng thông tin, UBND huyện Nghĩa Hưng không giải quyết đơn khiếu nại của Công ty Mai Thanh theo đúng trình tự của Luật Khiếu nại, mà đáp lại bằng một quyết định cưỡng chế (ngày 8/3/2022) nhằm thực hiện công trình hoàn trả đi ngầm đã phê duyệt.
Đường ống nước của Công ty Mai Thanh đang triển khai về các xã ngập mặn ở Ngĩa Hưng, Nam Định. |
Ai chịu trách nhiệm về việc “bỏ quên” công trình nước sạch?
Tìm hiểu của phóng viên, hạng mục công trình Kênh nối Đáy-Ninh Cơ, được khởi công năm 2020, dự kiến hoàn thành tháng 6/2022, hiện đang phải xin gia hạn.
Dự án này được phân kỳ thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, từ năm 2008 đến hết tháng 12/2015, nhưng hạng mục Kênh nối Đáy-Ninh Cơ tại huyện Nghĩa Hưng chưa thực hiện.
Đối với giai đoạn 2, triển khai từ ngày 2/11/2016, Thủ tướng Chính phủ có quyết định bổ sung vốn dự án WB6 do WB tài trợ với tổng vốn 110,8 triệu USD “để sử dụng cho các hạng mục: Đào kênh nối sông Đáy-Ninh Cơ, xây cầu vượt kênh và âu tàu đảm bảo tàu trọng tải tới 3000 DWT hoạt động; đồng thời xây dựng hoàn trả các công trình hiện hữu khi đào kênh”.
Tuy nhiên, trong hồ sơ của dự án WB6 và tại Quyết định 3656/QĐ-BGTVT ngày 23/11/2016 của Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở hạng mục Kênh nối Đáy - Ninh cơ đã không hề có “công trình hiện hữu khi đào kênh” là tuyến ống nước sạch của Công ty Mai Thanh, dù tuyến ống này đã hiện hữu gần 3 năm trước thời điểm khởi công Kênh nối Đáy - Ninh Cơ (năm 2019).
Việc không cập nhật còn thể hiện trong báo cáo của Ban Quản lý các dự án đường thủy gửi Bộ TN&MT, dẫn đến, Bộ này đã trả lời không cần phải đánh giá lại dáo cáo tác động môi trường khi triển khai dự án WB6 giai đoạn 2.
Trong khi đó, với việc đào kênh, vùng xâm nhập mặn đã thay đổi, lấn sâu theo kênh đào và ảnh hưởng trực tiếp tới tuyến ống cấp nước sạch và dự án nước sạch. Ngoài ra, trong quyết định phê duyệt ĐTM dự án WB6 nêu rõ: Yêu cầu về tác động môi trường khi thi công dự án phải phù hợp giảm thiểu các tác động xấu đến chất lượng nước sông, hệ thủy sinh và bất lợi đến các hoạt động kinh tế khác.
Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân. |
Mặt khác, dự án Kênh nối Đáy - Ninh Cơ bắt đầu thực hiện ngày 2/11/2016, quá 24 tháng kể từ ngày có quyết định báo cáo ĐTM (11/12/2013), theo Luật Bảo vệ môi trường là phải đánh giá lại báo cáo ĐTM. Bởi vì ĐTM là một căn cứ quan trọng để đánh giá tính khả thi, những vấn đề phát sinh của dự án. Việc bỏ qua này đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy về sau với việc lên phương án hoàn trả đường ống nước sạch như nguồn nước bị xâm nhập mặn cao (Nhà máy nước sạch từ thiết kế ban đầu cách cửa biển 40km sẽ chỉ còn 6km, ảnh hưởng tới chất lượng nước, chưa kể tàu trọng tải lớn hoạt động liên tục ngày đêm qua kênh…).
Trong khi, UBND tỉnh Nam Định dù biết có dự án WB6 triển khai từ tháng 4/2008, đến tháng 11/2016 tiếp tục triển khai Kênh nối Đáy - Ninh Cơ, nhưng khi ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch tại huyện Nghĩa Hưng (ngày 15/7/2015); điều chỉnh, bổ sung bằng Quyết định 2758/QĐ-UBND, ngày 6/12/2018 và Quyết định 313/QĐ-UBND ngày 13/2/2019, nâng công suất Nhà máy nước từ 8.000 lên 28.000m3/ngày để cung cấp nước sạch cho hàng trăm ngàn cư dân trên địa bàn 11 xã thuộc huyện Nghĩa Hưng, lại không hề đề cập đến dự án WB6 (cắt ngang dự án nước sạch).
Theo bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Công ty Mai Thanh, doanh nghiệp của bà chỉ biết đến sự hiện diện của WB6 khi UBND huyện nghĩa Hưng mời đến làm việc vào cuối năm 2019. Đặc biệt, tại Quyết định 5029/QĐ-UBND, ngày 9/12/2019, về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện Kênh nối Đáy - Ninh Cơ, UBND huyện Nghĩa Hưng cũng không hề đề cập đến công trình nước sạch của Công ty Mai Thanh.
Phải đến ngày 16/6/2021, tại văn bản 387/UBND-KTHT, UBND huyện Nghĩa Hưng mới báo cáo và chính thức đề nghị UBND tỉnh Nam Định chấp thuận bổ sung Công trình nước sạch vào hạng mục hoàn trả thuộc Tiểu dự án GPMB.
Sau đó hơn 1 tháng, Bộ GTVT có công văn đồng ý và thống nhất với UBND tỉnh Nam Định đưa tuyến nước sạch vào hạng mục hoàn trả thuộc Tiểu dự án GPMB để địa phương thực hiện.
Đến ngày 28/7/2021, UBND tỉnh Nam Định mới có công văn giao UBND huyện Nghĩa Hưng làm Chủ đầu tư hạng mục hoàn trả tuyến ống cấp nước sạch cho Công ty Mai Thanh. Lúc này, hạng mục kênh nối Đáy - Ninh Cơ đã khởi công được hơn 2 năm và chỉ còn 8 tháng nữa là kết thúc thời hạn cấp tín dụng của WB.
Hiện tại, lãnh đạo Công ty Mai Thanh đang đặt câu hỏi: Ai phải chịu trách nhiệm về tuyến ống nước sạch đoạn qua Kênh nối Đáy-Ninh Cơ, hiện hữu 3 năm không có trong danh mục “công trình hiện hữu” phải hoàn trả của dự án WB6?
Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.