Xây mới rồi bỏ hoang cả chục năm
Hơn 10 năm trước, chợ khu vực phường Trần Quang Khải (còn gọi là chợ Mả Chói, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Chợ có tổng diện tích 4.000m2, gồm 3 dãy lán tôn 40mx6m (diện tích 240 m2/dãy); phòng bảo vệ và các công trình phụ trợ khác như nhà vệ sinh công cộng, hệ thống điện nước...
Dù chợ được đầu tư khang trang, sạch đẹp, nhưng từ khi xây xong đến nay không có tiểu thương vào buôn bán. Sau nhiều năm bị bỏ hoang, các công trình bên trong cũng dần xuống cấp.
Chợ khu vực phường Trần Quang Khải được xây dựng khang trang nhưng không có hoạt động buôn bán. |
Trong khi đó, chỉ cách vài chục mét, khu chợ tự phát luôn nhộn nhịp.
Tiểu thương Vũ Minh T. (40 tuổi) chia sẻ: "Tôi cùng nhiều chị em khác từng vào trong khuôn viên chợ để kinh doanh, với hy vọng chợ mới là nơi buôn bán tập trung, việc bán hàng sẽ thuận lợi hơn. Thế nhưng vào rồi, hầu hết tiểu thương không bán được hàng do không có người mua".
Được chính quyền địa phương vận động, bà Đỗ Thị C. (63 tuổi) cũng từng vào chợ ngồi bán hàng.
"Sáng sớm lọ mọ đi lấy hàng rồi dọn ra chợ, trưa lại dọn hàng về, rau củ héo hỏng bởi không có mấy khách vào mua. Cực chẳng đã, vào rồi tôi lại phải đi ra do buôn bán quá ế ẩm", bà C kể.
“Xưa nay, trăm người bán vạn người mua thì mới thành cái chợ, bây giờ tiểu thương chúng tôi cứ vào trong chợ ngồi bán nhưng không có người mua thì bán cho ai?", bà thở dài.
Vì ế ẩm, các tiểu thương lại rủ nhau ra ngồi vỉa hè bán hàng kiếm thu nhập trang trải cuộc sống.
"Giờ đi chợ mà không bán được hàng thì tiền sinh hoạt biết trông vào đâu? Tôi thà ngồi bán hàng ngoài đường, dãi nắng dầm mưa mà kiếm được đồng ra đồng vào còn hơn vào trong chợ ngồi cả buổi, ngóng mãi không có nổi một khách”, bà C. ngậm ngùi nói.
Lý do tiểu thương “chê” chợ mới
Lãnh đạo UBND phường Trần Quang Khải cho biết, thời điểm khi chợ xây dựng xong (năm 2013), phường đã tích cực gửi thông báo tới các khu dân cư và thông báo trên hệ thống loa phát thanh để tổ chức đấu giá các ki ốt, khuyến khích tiểu thương vào chợ bán hàng.
Tuy nhiên, 1 năm sau khi phát thông báo, rất ít hộ kinh doanh đăng ký.
Đường vào chợ là ngõ cụt, khiến việc mua bán khó khăn. |
Trước đây, quy hoạch khu vực xây chợ có điều kiện là mở rộng 3 con đường vào chợ, trong đó dự kiến mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi rộng 20m.
Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng để mở rộng đường dẫn vào chợ gặp nhiều khó khăn, cần nguồn kinh phí lớn, trong khi ngân sách thành phố có hạn. Kết cục đến nay chợ vẫn là chợ “cụt” do chỉ có một đường duy nhất dẫn vào, ít người qua lại. Có lẽ vì thế, tiểu thương không mấy mặn mà với việc vào chợ buôn bán, lãnh đạo UBND phường Trần Quang Khải cho hay.
Năm 2021, để làm tốt công tác kiểm soát khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi hoạt động mua bán bên ngoài được chuyển vào trong chợ.
Đây được kỳ vọng là cơ hội để chợ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, khi hết dịch, người dân lại không vào chợ nữa. Chợ không có người mua nên tiểu thương lại “dạt” ra bên ngoài.
Người dân sống gần khu vực chợ cho hay, chợ Trần Quang Khải dù được đầu tư rộng rãi, khang trang nhưng không có khách bởi vị trí nằm sâu bên trong đường lớn, nếu không sinh sống gần đó, người dân đi qua sẽ không biết bên trong có chợ.
Ngoài ra, chợ cóc bên ngoài đã có từ lâu, người dân vốn quen mua bán tại đây.
Chị Trần Thị Thanh - một người dân địa phương, bày tỏ mong muốn: “Chợ bỏ không lâu năm rất lãng phí, chúng tôi mong thành phố xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng khu chợ để khai thác quỹ đất hiệu quả hơn”.