Dòng xe thiết giáp đổ bộ AAV-7 bắt nguồn từ loại LVTP-7 cuối những năm 1960, mục đích ra đời của loại xe này là khi Mỹ cần có một phương tiện bọc thép chở quân với khả năng di chuyển tốt trên biển có thể đáp ứng tốt những yêu cầu của lực lượng Lính thủy Đánh bộ Mỹ trong việc vẫn chuyển binh sĩ và trang bị từ các tàu đỗ gần bờ biển vào trong đất liền. Thiết kế bánh xích và khung thân “độc” của AAV-7 giúp nó đạt được tất cả các yêu cầu trên và phục vụ hải quân Mỹ từ đó đến nay.
Bên cạnh tên chính thức, AAV-7 còn được lính Mỹ gọi là “xe lội nước” hay “xe buýt chiến trường” và biên chế trong các tiểu đoàn đổ bộ đột kích của lực lượng Lính thủy Đánh bộ Mỹ (USMC).
Hiện tại các quốc gia sử dụng AAV-7 ngoài Mỹ có Argentina, Brazil, Mexico, Italy, Hàn Quốc, Đài Loan, Tây Ban Nha, Thái Lan, Venezuela và Indonesia. Dĩ nhiên Mỹ là nước sử dụng AAV-7 nhiều nhất với 1.300 chiếc trong kho, xếp thứ nhì là Hàn Quốc với 162 chiếc. Ở Đông Nam Á, Lính thủy Đánh bộ Thái Lan sử dụng AAV-7 nhiều nhất với 36 chiếc, còn Indonesia có 10 chiếc LVTP-7 kém hiện đại hơn.
LVTP-7 của Argentina. |
Từ trước đến nay, luôn có những thử thách nhất định khi tấn công đổ bộ từ biển, điều đó đã được thể hiện trong cách trận đánh của hải quân/lính thủy đánh bộ Mỹ thời kì chiến tranh thế giới thứ 2 vào các căn cứ của quân đội Nhật tại Thái Bình Dương. Những nhiệm vụ kiểu này cần rất nhiều binh sĩ, đạn dược và tiếp tế vượt qua hàng ngàn km đường biển được tập trung cho các đợt đột kích, góp phần vào chiến thắng cuối cùng của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Một trong những chìa khóa thắng lợi của Mỹ trước Nhật Bản là các phương tiện đổ bộ. Loại phương tiện này với đầy đủ binh sĩ, giáp bảo vệ nhẹ, hỏa lực đi kèm vượt qua các hỏa điểm của đối phương đặt trên các bờ biển, chúng không chỉ hạn chế những xác lính nổi lềnh bềnh trong quá trình đổ bộ mà với hỏa lực đi kèm chúng sẽ tiến lên bờ và hỗ trợ bộ binh chiến đấu. Về cơ bản, dạng xe chiến đấu bộ binh mới này bắt nguồn từ chiếc LVT-1 mà hoàn chỉnh ở mẫu LVT-4.
Sau chiến tranh thế giới 2, phiên bản LVTP-5 được sản xuất hàng loạt và thay thế cho tất cả các mẫu trên, LVTP-5 có thể chở 34 binh sĩ từ tàu vận tải vào bờ và bánh xích cho phép nó tiếp tục cuộc tiến công với súng máy 7,62mm. Được gắn động cơ Continental 700 mã lực, LVTP-5 được Mỹ và các đồng minh sử dụng trong cả các chức năng khác như xe chỉ huy, xe mang hỏa lực hay xe quét mìn. LVTP-5 được Llính thủy Đánh bộ Mỹ sử dụng khi đổ bộ vào bờ biển Việt Nam trong hành động xâm lược từ giữa những năm 1960. LVTP-5 sau đó được thay thế bởi một số lượng nhỏ LVTP-6.
LVTP-5 của Mỹ đổ bộ lên bờ biển miền Nam Việt Nam. |
Cuối những năm 1960, lính thủy đánh bộ Mỹ bắt đầu chương trình tìm kiếm loại xe mới thay thế cho LVTP-5. Yêu cầu cho loại xe mới này là phải đảm bảo chức năng bơi nước tốt cho các nhiệm vụ của hải quân/lính thủy đánh bộ Mỹ và chuyên chở 25 binh sĩ đầy đủ trang bị hoặc 4,5 tấn hàng hóa. Do vậy thiết kế của nó phải đáp ứng các yêu cầu “bơi lội” lẫn đảm bảo các thành phần phải có của một chiếc xe chiến đấu bộ binh (IFV) trên cạn. Tháng 9/1967, mẫu thiết kế LVTPX12 đã được USMC chấp nhận đưa vào biên chế với tên gọi LVTP-7 nhưng chương trình sản xuất hàng loạt thì đến năm 1971 mới bắt đầu.
LVTP-7 có vẻ bề ngoài khá kì dị, với đầu thuôn về phía trước như chiếc thuyền, dải bánh xích và thân hình đồ sộ. Hệ bánh xích có 6 bánh mỗi bên còn bánh truyền động nằm đầu dải xích, đầu xe thuôn dài còn hông và đuôi xe có dạng thẳng đứng. Cửa đuôi to, phẳng, điều khiển bằng máy là chỗ ra vào của binh sĩ lẫn hàng hóa, ngoài ra còn có một cửa nhỏ lọt một người qua để giảm bớt sự nguy hiểm cho những người ngồi trong xe khi có người ra/vào. Thân xe làm bằng nhôm (dày 45mm).
AAV-7 của lính thủy đánh bộ Mỹ tại Iraq năm 2003 |
Về vị trí, lái xe sẽ ngồi phía trước bên trái, trong khi trưởng xe ngồi sau, tương ứng với nắp ra vào trên nóc xe của họ, kính tiềm vọng đi kèm sẽ giúp quan sát tốt bên ngoài khi tất cả ở trong xe. Tháp pháo nằm bên phải xe có nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực khi xe vào gần bờ và các hỏa điểm địch. Động cơ nằm ở giữa phía trước không chỉ giúp tăng khả năng bảo vệ mà còn tăng không gian cho khoang lính phía sau. 25 binh sĩ đổ bộ có thể đi trên xe, ngoài ra họ còn có cửa nóc để ra vào khi cần thiết. Và cuối cùng, LVTP-7 có thể bơi nước tốt thông qua dải xích hoặc sử dụng thiết bị bơi nước chuyên dụng đặt đằng sau.
Phiên bản LVTP-7 ban đầu sử dụng diesel tăng áp Detroit 8V-53T công suất 400 mã lực giúp nó đạt tốc độ tối đa 64km/h trên đường nhựa và tầm hoạt động gần 500km. Cấu trúc bên trong LVTP-7 là dạng module nên nó có thể lắp thêm các trang bị để thực hiện các chức năng khác như xe cứu thương, xe chỉ huy. Vũ khí như đã nói, chỉ có một khẩu súng máy 12,7mm Browning có khả năng bắn các mục tiêu như bộ binh, xe bọc giáp mỏng hay máy bay bay thấp. Nhưng LVTP-7 lại không có các khe quan sát lẫn khe bắn cho tốp lính bên trong, và thiếu hệ thống phòng vệ NBC.
AAV-7 bắn đạn khói nghi binh. |
Đến năm 1982, dòng xe LVTP-7 bắt đầu chương trình hiện đại hóa nhằm tăng vòng đời với chương trình LVTP-7 SLEP. Những nâng cấp bao gồm động cơ Cummins 400 mã lực, 8 ống phóng đạn khói được lắp vào tháp pháo trong khi hệ thống treo được tăng hiệu quả. Buồng lái của lái xe được sửa lại cho thuận tiện hơn và có thêm kính nhìn đêm.
Hệ thống vũ khí mới Cadillac Cage được sử dụng với hỏa lực được tăng cường bao gồm đại liên M2HB 12,7mm và súng phóng lựu liên thanh Mk 19 40mm. Phiên bản mới được đặt tên là LVTP-7A1 nhằm phân biệt với thế hệ cũ, tuy vậy thì Bộ chỉ huy USMC định danh lại là AAV-7A1 (AAV – Xe đổ bộ xung kích) vào năm 1984. Bộ quét mìn lắp cho AAV-7A1 cũng được giới thiệu trước năm 1991.
Để đối phó với các loại vũ khí trên chiến trường hiện đại, bộ giáp tăng cường EAAK đã được phát triển cho AAV-7A1, tiếp theo đó là hệ thống treo và động cơ mới (dựa trên loại xe thiết giáp M2 Bradley của bộ binh được nâng cấp) cũng đã được sử dụng để đáp ứng khối lượng chiếc xe đã tăng lên khi lắp giáp phụ trợ. Tất cả AAV-7A1 trong biên chế ngay sau đó đã được nâng cấp theo chuẩn mới này.
Dòng AAV-7A1 có hai phiên bản chính khác bên cạnh phiên bản chiến đấu thông thường (AAVP-7A1), đó là mẫu xe chỉ huy AAVC-7A1 bỏ tháp pháo và lắp các thiết bị tin liên lạc trong khoang lính. Và mẫu thứ hai là xe cứu kéo AAVR-7A1 cũng bỏ tháp pháo, thay vào đó là cần cẩu to rất dễ thấy bên cạnh các thiết bị cần thiết của dạng xe chuyên dùng cứu hộ.
Phiên bản xe cứu kéo AAVR-7A1. |
Các thế hệ xe LVTP-7/AAV-7 đã được sử dụng trong nhiều cuộc chiến, đó là cuộc chiến Falkland năm 1982 quân Arghentina sử dụng để đối phó với người Anh, LVTP-7 cũng được sử dụng trong lực lượng đa quốc gia gìn giữ hòa bình ở Beirut, Lebanon những năm 1980, trong cuộc xâm lược của Mỹ vào Grenada năm 1983 và trong cuộc chiến giải phòng Kuwait khỏi Iraq năm 1991. Những cuộc chiến ở Afghanistan (2001) và Iraq (2003) AAV-7 cũng được sử dụng trong đội hình lính thủy đánh bộ Mỹ và cho đến tương lai gần, AAV-7 vẫn là xương sống đổ bộ của quân đội Mỹ.
Phiên bản xe chỉ huy AAVC-7A1. |
Có thể nói, về khả năng đổ bộ tấn công thì không có loại xe nào tiên tiến hơn AAV-7 trên thế giới lúc này, ở Đông Nam Á thì Thái Lan có sử dụng AAV-7 trong biên chế lính thủy đánh bộ của họ, rõ ràng chúng “chuyên dụng” đổ bộ hơn BMP-3F của Indonesia và hiện đại hơn nhiều BTR-60 của Việt Nam.
Thông số kỹ thuật
Nước sản xuất: Mỹ
Năm chế tạo: 1972
Số lượng: 1.737 chiếc
Kíp lái: 3 + 25 binh sĩ
Dài x Rộng x Cao(m): 7,94 x 3,27 x 3,26
Khối lượng: 22,8 tấn
Động cơ: 400 mã lực
Tốc độ tối đa: 64km/h
Tầm hoạt động: 482km
Vũ khí:
- 1 súng phóng lựu liên thanh Mk 19 40mm với 864 viên đạn hoặc 1 pháo M242 Bushmaster 25mm với 900 viên đạn
- 1 đại liên M2HB 12,7mm với 1200 viên đạn.