Vỡ nợ là gì?
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) định nghĩa, vỡ nợ được hiểu một cách đơn giản là thất hứa hoặc vi phạm thỏa thuận. Một chính phủ vay tiền từ các chủ nợ trong và ngoài nước thì họ có nghĩa vụ phải trả lãi trên các khoản vay đó. Vỡ nợ xảy ra khi chính phủ không có khả năng hoặc không muốn thực hiện một số hay toàn bộ nghĩa vụ nợ với người cho vay.
Thống kê của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết 147 chính phủ đã vỡ nợ kể từ năm 1960. Con số trên tương đương hơn một nửa số chính phủ trên toàn cầu.
Nền kinh tế suy yếu và "chi tiêu không có kế hoạch" là 2 trong số những yếu tố có thể dẫn đến vỡ nợ, trang web chuyên về nội dung tài chính Investopedia cho biết.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vỡ nợ được hiểu một cách đơn giản là thất hứa hoặc vi phạm thỏa thuận. Ảnh: Shutterstock. |
Các quốc gia cũng có thể gặp vấn đề nếu vay bằng ngoại tệ. Điều đó có nghĩa là nếu ngân sách bị thiếu hụt, ngân hàng trung ương của những quốc gia này không thể in thêm tiền để bù đắp.
IMF cho biết đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng tình trạng khó khăn trong việc trả nợ, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và các nền kinh tế mới nổi. Cơ quan này cho biết Argentina, Ecuador, Lebanon và Zambia là một số quốc gia mới nhất phải tái cơ cấu nợ.
Nước Mỹ từng vỡ nợ bao nhiêu lần?
Bộ trưởng Janet Yellen xác nhận Bộ Tài chính Mỹ khó có thể đáp ứng tất cả nghĩa vụ thanh toán của chính phủ nước này vào đầu tháng 6, có thể gây ra vụ vỡ nợ lần đầu tiên của nước Mỹ.
Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, họ dự kiến chỉ có thể thanh toán hóa đơn của chính phủ cho đến hết ngày 1/6 mà không tăng giới hạn nợ, gia tăng áp lực lên Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng để đạt được thỏa thuận trong thời gian tới.
Trong lá thư thứ hai gửi Quốc hội Mỹ sau hai tuần, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen xác nhận cơ quan này khó có thể đáp ứng tất cả nghĩa vụ thanh toán của chính phủ Mỹ vào đầu tháng 6, có thể gây ra vụ vỡ nợ lần đầu tiên của nước Mỹ.
Khi rà soát doanh thu và các khoản thanh toán nhận được sau khi phản ánh với Quốc hội ngày 1/5, bà Yellen cho biết kho bạc sẽ hết tiền mặt để thanh toán hóa đơn của chính phủ Mỹ, sớm nhất là đầu tháng 6. Thông tin trên được công bố rộng rãi một ngày trước khi Tổng thống Joe Biden dự kiến gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy để nói chuyện.
Nước Mỹ có nhiều nguy cơ vỡ nợ vào ngày 1/6. Ảnh: Reuters. |
Bà Yellen nhiều lần cảnh báo rằng việc Quốc hội Mỹ không tăng giới hạn nợ liên bang trị giá 31,4 nghìn tỷ USD có thể gây ra "cuộc khủng hoảng hiến pháp" và "thảm họa kinh tế và tài chính" cho Mỹ và các nền kinh tế toàn cầu.
Chính phủ Mỹ cần thanh toán cho các trái chủ, chi trả cho các khoản bắt buộc như an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, lương cho quân đội cho đến hoàn thuế, trả lãi vay…
Một số khoản thanh toán lớn được lên kế hoạch vào đầu tháng 6 tới là 47 tỷ USD cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, 12 tỷ USD cho trợ cấp cựu chiến binh, 25 tỷ USD cho an sinh xã hội vào các ngày 2/6 và 14/6.
Khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng vỡ nợ của Mỹ bắt đầu khiến người dân nước này lo lắng.
Tại Mỹ vào thời điểm này, sự không chắc chắn của hệ thống ngân hàng cùng với lạm phát dai dẳng và cảnh báo về sự suy giảm của người tiêu dùng đã khiến trần nợ công trở thành một trong những vấn đề đè nặng lên thị trường.
Tuy nhiên trên thực tế, trong lịch sử, nước Mỹ từng được coi là vỡ nợ ít nhất 5 lần, bao gồm các năm 1862, 1934, 1968, 1971 và 1979. Chính phủ Mỹ đã nhiều lần nuốt lời, không trả nợ theo đúng nghĩa vụ đã cam kết nhưng họ vẫn vượt qua cuộc Đại khủng hoảng 1929 - 1933 và trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Ngoài ra, USD vẫn là đồng tiền dự trữ quan trọng bậc nhất.
Một số quan chức chính phủ Mỹ và chuyên gia tài chính gần đây đã cảnh báo nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế thế giới có thể rơi vào "thảm họa" nếu nước này vỡ nợ. Thế nhưng, nếu nhìn vào lịch sử những lần vỡ nợ trước, liệu việc đó có gây ra hậu quả nghiêm trọng như cảnh báo hay không có lẽ sẽ cần thêm thời gian để đánh giá và đưa ra kết luận.