Đây là nhận định của Dan Kovalik – giáo sư nhân quyền quốc tế thuộc Đại học Luật Pittsburgh, tác giả của cuốn sách “Kịch bản tấn công Iran” – trả lời trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình RT.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cảnh báo Iran sẽ phải “đối mặt với cơn thịnh nộ của thế giới” nếu như nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên trên thực tế, kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi tháng 5, các quan chức ngoại giao hàng đầu những nước còn lại trong thỏa thuận gồm Đức, Anh, Nga và Pháp lại nỗ lực để tái xây dựng thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Theo giáo sư Kovalik, Iran đang cố gắng hết sức để giữ thỏa thuận còn nguyên vẹn lâu nhất có thể. Cả châu Âu và Nga cũng đều quan tâm tới vấn đề đó. Tuy nhiên, nếu như Mỹ tiếp tục đứng ngoài thỏa thuận và gây sức ép lên châu Âu, Iran có thể không tuân theo thỏa thuận nữa.
Tổng thống Vladimir Putin (trái) bắt tay người đồng cấp Iran Hassan Rouhani tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày 9/6/2018. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng nói ông đang cố gắng hết sức mình để duy trì thỏa thuận JCPOA song quyết định cuối cùng vẫn phải chịu ảnh hưởng của Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei – người luôn phản đối Mỹ và cảnh báo “sự kiên nhẫn của ông chỉ có giới hạn”.
Giáo sư Kovalik nhấn mạnh mặc dù Iran có thể không tuân theo thỏa thuận, song nước này luôn tỏ rõ quan điểm họ không có ý định xây dựng vũ khí hạt nhân, mà chỉ tái xây dựng chương trình hạt nhân để phục vụ cho mục đích năng lượng.
Đối với mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các nước châu Âu, giáo sư Kovalik chỉ ra rằng với quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Mỹ đã “phá hủy niềm tin về trật tự quốc tế”, thể hiện mình là một đối tác không thể tin cậy trong các cuộc đàm phán. Viễn cảnh sắp tới mà thế giới sẽ được chứng kiến là châu Âu, Nga và Iran xích lại gần nhau hơn, trong khi Mỹ căn bản tự cô lập bản thân.
Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, cho rằng thỏa thuận này không đề cập tới chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và vai trò của nước này trong các cuộc xung đột tại Trung Đông, cũng như không đề cập tình hình sau khi thỏa thuận hết hiệu lực vào năm 2025.
Dù có chung các lo ngại trên, nhưng các nước châu Âu cho biết chừng nào Tehran tuân thủ các cam kết, họ sẽ tiếp tục thực thi thỏa thuận. Theo JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Thỏa thuận này được đánh giá có vai trò quan trọng trong ngăn chặn một cuộc chiến tranh tại Trung Đông.