Trong một báo cáo gửi tới Hạ viện Mỹ công bố tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) chỉ ra rằng, tổng số lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc dự kiến tăng 25% khi mà Bắc Kinh đang ráo riết thúc đẩy yêu sách bành trướng lãnh thổ.
“Trung Quốc xác định chủ quyền lãnh thổ của họ như là lợi ích cốt lõi và sẵn sàng chống trả lại các hành động mà Trung Quốc coi là chúng thách thức chủ quyền của họ”, văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trong một tuyên bố cho hay.
Bắc Kinh hiện đang cho thế giới thấy khả năng quân sự của họ ở Biển Đông và Hoa Đông nhưng vẫn "già mồm" rêu rao về cái gọi là "trỗi dậy hòa bình".
Ngày 29/3/2014, tàu Trung Quốc ngăn không cho tàu Philippines tiếp tế các binh sĩ đang đồn trú trên một con tàu neo đậu ở bãi san hô mà cả hai nước tranh chấp. |
Cùng với đó, báo cáo này còn cho biết, sự lớn mạnh của lực lượng Trung Quốc làm dấy lên sự quan ngại trong cộng đồng quốc tế.
“Trung Quốc muốn khẳng định sự thống trị trên biển của họ mà không gây ra sự phản ứng quá gay gắt từ các nước trong khu vực”, DoD nhận định.
Thêm vào đó, báo cáo này lưu ý, Trung Quốc đang thực hiện giai đoạn hai của chương trình hiện đại hóa và xây dựng lực lượng bảo vệ bờ biển, đặc biệt là ở Biển Đông.
Theo đó, giai đoạn 1 của chương trình này, vốn kéo dài từ 2004 đến 2008, 20 tàu tuần tra biển đã được nước này cung cấp cho cảnh sát biển. Giai đoạn 2 của nó đang được thực thi kể từ năm 2011 và sẽ kết thúc vào năm 2015.
“Cảnh sát biển Trung Quốc sẽ xây dựng hơn 100 tàu tuần tra mới nhằm tăng khả năng chiến đấu và thay thể các tàu cũ”, DoD kết luận.
Mới đây nhất, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với các phóng viên tại Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói rằng, các tàu Trung Quốc đã xuất hiện trong vùng biển khu vực đá Gaven và đá Châu Viên (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam)
Trong tháng 5, Philippines đã công bố những bức ảnh cho thấy các hoạt động cải tạo đất được Trung Quốc tiến hành trái phép trên bãi đá Gạc Ma, thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.