Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki tái khẳng định: “Lập trường chung của chính phủ Mỹ là không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc. Thực tế, các yêu sách của Trung Quốc đã tạo ra rối loạn và làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố”.
Theo bà Psaki, Bắc Kinh đã lập ADIZ mà không hề “tham vấn trước”. Thêm vào đó, Khu vực Nhận dạng Phòng không của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông còn chồng chéo lên các ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ thúc giục Bắc Kinh nhanh chóng bỏ các quy định về ADIZ.
“Các yêu sách về ADIZ của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi các kế hoạch và hoạt động quân sự của chúng tôi”, bà Psaki tuyên bố, đồng thời lấy dẫn chứng vụ Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược B-52 chọc thủng ADIZ mới của Trung Quốc mà không hề báo trước.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ bay trên bầu trời Afghanistan. |
Ngoài ra, theo bà Psaki, Cục Hàng không Liên bang đã được giao nhiệm vụ tư vấn cho các hãng hàng không thương mại trong khu vực nhằm tránh các sự cố đáng tiếc khi bay vào ADIZ của Trung Quốc.
Cuối tháng trước, Bắc Kinh công bố Khu vực Nhận dạng Phòng không mới trên Biển Hoa Đông bao gồm chuỗi đảo đang tranh chấp với Nhật Bản là Điếu Ngư/Senkaku. Đi kèm với ADIZ là bộ quy tắc buộc các phi cơ bay vào khu vực phải chấp hành, nếu không phải đối mặt với “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp” của Bắc Kinh.
Hôm nay, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo Nhật Bản để thảo luận về căng thẳng Biển Hoa Đông nói chung và động thái đơn phương lập ADIZ của Trung Quốc nói riêng. Trong khuôn khổ chuyến công du châu Á, ông Biden cũng sẽ đến Bắc Kinh và Seoul.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nhấn manh, Washington vẫn "đang quan ngại sâu sắc" về Khu vực Nhận dạng Phòng không mới của Trung Quốc. Do đó, chuyến công du châu Á “tạo điều kiện cho Phó Tổng thống Biden phản ánh một cách trực tiếp mối quan ngại của chúng tôi về việc hoạch định chính sách ở Bắc Kinh cũng như tìm hiểu rõ ràng ý định của Trung Quốc khi đưa ra động thái trên trong thời điểm này”.