Trong bài viết do hãng tin Reuters đăng tải, nhà bình luận Peter Apps cho rằng tốc độ Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công Syria bằng tên lửa là yếu tố bất ngờ và là một sự thay đổi rõ rệt so với chính quyền Obama vốn “hỏi trước, đánh sau”.
Khác với Tổng thống tiền nhiệm Obama vốn "hỏi trước, đánh sau", chính sách đối ngoại của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như thiên về "bắn trước, hỏi sau". Ảnh: Politico.com |
Việc dùng tên lửa hành trình Tomahawk đánh phá một căn cứ không quân duy nhất của Syria, cuộc tấn công rạng sáng ngày 7/4 cũng hạn chế hơn nhiều so với hành động quân sự mà Washington từng cân nhắc sau cuộc tấn công hóa học năm 2013. Kế hoạch này có thể liên quan đến một cuộc tấn công áp đảo các hệ thống phòng không của Syria và nhiều cơ sở khác. Đây là kế hoạch có chủ ý để làm suy yếu sức mạnh của Tổng thống Assad nhưng không đủ để lật đổ ông ta.
Cuộc tấn công tên lửa của Mỹ chống Syria khiến cho Nga tức giận và so sánh nó với cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Tuy nhiên phía Mỹ xem ra đã tránh gây ra thiệt hại cho lực lượng Nga ở Syria và điều này trái ngược với kế hoạch mà cựu Ngoại trưởng Hillary Hillary theo đuổi, bao gồm việc áp đặt các "vùng cấm bay" có thể dẫn đến việc máy bay Mỹ bắn hạ máy bay Nga.
Câu hỏi đầu tiên bây giờ là vụ tấn công tên lửa này có ý nghĩa gì đối với chính sách của Mỹ đối với Syria. Chắc chắn, chính quyền của Trump có thể quay lại cách tiếp cận của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama: ủng hộ các nhóm nổi dậy và thực thi những gì có thể làm suy yếu chính phủ ở Damascus.
Tuy nhiên, chính quyền của Trump cũng nói rõ rằng ưu tiên hàng đầu của Mỹ ở Syria tiếp tục là đánh bại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS), với cuộc tổng tấn công “thủ phủ” Raqqa của IS đang dần lộ diện.
Điều quan trọng nhất là Mỹ vẫn không có cách nào đáng tin cậy để lật đổ Tổng thống Assad, nếu Nhà Trắng muốn làm như vậy. Ông Trump cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, thông qua những bài học của Iraq và Libya, việc xóa bỏ các cường quốc khu vực thường là ý kiến tồi.
Hiện tại, cuộc tấn công tên lửa này dường như chỉ là một sự trừng phạt có giới hạn, chứ không phải là sự bắt đầu của quá trình thay đổi chế độ khác ở Trung Đông, do Mỹ hậu thuẫn.
Tuy nhiên, tác động của vụ tấn công tên lửa chống Syria của Mỹ sẽ sâu xa hơn nhiều.
Có lẽ thông điệp quan trọng nhất của vụ Mỹ tấn công Syria sẽ dành cho Triều Tiên và Trung Quốc, nhất là khi nó xảy ra trọng lúc Chủ tịch Tập Cận Bình đang ở Florida. Chính quyền Trump “thuyết phục” lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un làm chậm lại hoặc từ bỏ chương trình tên lửa- hạt nhân, bằng đe dọa sử dụng vũ lực. Điều này có vẻ như không mấy khả quan, nhưng vụ tấn công tên lửa chống Syria rạng sáng ngày 7/ làm tăng thêm sức nặng răn đe của Mỹ.
Tuy nhiên, tác động địa chính trị lâu dài quan trọng nhất có thể lên mối quan hệ Mỹ-Nga. Cuộc tấn công này đưa ra một thông điệp rằng chính quyền Trump có thể sẽ cứng rắn hơn với Nga.
Đây cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy quá trình thay đổi bộ máy an ninh ở Washington. Trong tuần này, cố vấn tổng thống Steve Bannon bị sa thải khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng. Việc lật đổ Bannon cho thấy có bàn tay của Cố vấn An ninh Quốc gia mới được bổ nhiệm H.R. McMaster.
Cuộc tấn công tên lửa chống Syria rạng sáng ngày 7/4 có thể là dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy chính sách đối ngoại Donald Trump: có mục tiêu được xác định rõ ràng, hành động có giới hạn nhưng dứt khoát.
Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất là cái thói bốc đồng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hành động theo kiểu "bắn trước, hỏi sau".
Nhà phân tích Peter Apps kết luận: Nếu quả thực có "học thuyết Trump" về chính sách đối ngoại can thiệp, thì vụ Mỹ tấn công Syria bằng tên lửa Tomahawk chắc chắn sẽ được coi là sự khởi đầu.