Lầu Năm Góc đang tính tới các lựa chọn quân sự mới ở Venezuela nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Nga, Cuba và Trung Quốc đối với chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro, cũng như ngăn chặn bất kỳ động thái quân sự nào từ các nước khác, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters. |
Các phương án ngăn chặn của Mỹ được đưa ra sau cuộc họp ở Nhà Trắng hồi tuần trước khi Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton khẳng định Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đã có một vài phương án về cuộc khủng hoảng Venezuela.
Quan chức này cũng nhấn mạnh công tác ban đầu đã được Lầu Năm Góc thực hiện cùng với Bộ chỉ huy phía Nam phụ trách các hoạt động quân sự của Mỹ ở bán cầu nam.
Mặc dù gần đây Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết "tất cả các lựa chọn" đều đã được tính tới nhằm giải quyết vấn đề Venezuela, nhưng một số quan chức Lầu Năm Góc khẳng định rằng Bộ Quốc phòng Mỹ không hề muốn sử dụng quân đội để chống lại chính phủ Venezuela.
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Tổng thống Maduro từ chức và cho rằng Nga phải rời khỏi Venezuela thì không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump muốn Mỹ triển khai quân sự ở đây.
Thay vào đó, các lựa chọn của Mỹ có thể là các cuộc tập trận của Hải quân ở các khu vực sát sườn nhằm tăng cường hỗ trợ nhân đạo cũng như tăng tương tác quân sự với các quốc gia láng giềng. Phương án này sẽ thách thức Nga, Cuba và Trung Quốc nếu các nước này có ý định tiếp cận khu vực này để gia tăng ảnh hưởng.
Mỹ kêu gọi Tổng thống Maduro từ chức hồi tháng 2/2019 khi Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido tự xưng là Tổng thống lâm thời. Kể từ đó, căng thẳng ở quốc gia Nam Mỹ này ngày một leo thang, trong khi các quan chức Mỹ nhiều lần khẳng định sẽ triển khai quân sự để buộc Tổng thống Maduro từ chức thì ông Maduro đổ lỗi cho Mỹ chính là nguyên nhân cho những vấn đề ở Venezuela.
Trong bài phát biểu ngày 13/4, kỷ niệm 17 năm cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Hugo Chavez thất bại, Tổng thống Maduro kêu gọi người dân Venezuela tham gia quân ngũ để bảo vệ đất nước và hướng tới mục tiêu quân đội với 3 triệu thành viên.
Ông Maduro đã nhắc lại rằng năm 2018, ông đặt ra mục tiêu quân đội 2 triệu thành viên và cho biết "chúng ta đã hoàn thành mục tiêu này", đồng thời kêu gọi thêm 1 triệu thành viên nữa tham gia quân đội để "bảo vệ lãnh thổ và biên giới của chúng ta".
Tổng thống Maduro cũng khẳng định quân đội Venezuela sẽ đạt 3 triệu thành viên hoặc hơn vào tháng 12/2019.
Ngày 13/4, trong bài phát biểu tại Paraguay, Ngoại trưởng Pompeo nhắc lại rằng tất cả lựa chọn đều đang được thảo luận về vấn đề Venezuela. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ trong chuyến thăm 3 ngày tới Chile, Paraguay và Peru không trả lời trực tiếp các câu hỏi về việc liệu Mỹ có chiến lược gì với Tổng thống Maduro hay không nếu ông Maduro nắm được số quân đội cần thiết để duy trì quyền lực, mà thay vào đó, ông Pompeo chỉ khẳng định rằng quyết định sẽ phụ thuộc vào người dân Venezuela.
"Chiến lược này không chỉ là chiến lược của Mỹ. Đó là chiến lược của người dân Venezuela", Ngoại trưởng Pompeo khẳng định.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng các nước láng giềng của Venezuela đang phải vật lộn giải quyết vấn đề người tị nạn chạy sang đất nước của họ và "100%" vấn đề này là kết quả trực tiếp từ chính quyền Tổng thống Maduro cũng như từ những nước ủng hộ ông như Nga và Cuba
Ông Pompeo cũng đề cập đến Bắc Kinh và cho biết Trung Quốc đã đầu tư 60 tỷ USD vào Venezuela mà không có điều kiện gì đi kèm. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Trung Quốc và các nước khác chỉ "giả vờ" kêu gọi không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Venezuela, trong khi lại can thiệp thông qua các khoản tài chính.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết trong một cuộc họp báo ngày 15/4 rằng ông Pompeo đã "vu khống và kích động một cách có chủ đích vào mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ Latinh”, đồng thời khẳng định: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ điều này".