Cả cơ quan phòng vệ của Đài Loan và Lầu Năm Góc đều xác nhận sự việc. Trong một thông cáo, cơ quan phòng vệ Đài Loan nói họ biết về hoạt động "định kỳ" này, và cảnh báo hòn đảo đủ sức bảo vệ an ninh không phận và "lãnh thổ trên biển" của mình.
Khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur. Ảnh: AFP. |
Sự việc mà Đài Loan nói là diễn ra trên vùng biển quốc tế được cho là sẽ khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh. Bắc Kinh vốn đã nhiều lần yêu cầu Washington cắt đứt mọi quan hệ quân sự với hòn đảo mà Trung Quốc xem là một tỉnh ly khai cần phải thu hồi bằng mọi giá.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Rob Manning nói với phóng viên rằng "hai tàu USS Curtis Wilbur và USS Antietam tiến hành việc di chuyển định kỳ qua eo biển Đài Loan phù hợp với luật quốc tế".
Đây là lần thứ hai trong chưa đầy 4 tháng tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, sau khi hai khu trục hạm USS Mustin và USS Benfold đi qua khu vực này hồi tháng 7. USS Curtis Wilbur là tàu khu trục tên lửa dẫn đường còn USS Antietam là tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường.
Tuần dương hạm có tên lửa dẫn đường USS Antietam. Ảnh: AP. |
"Việc các tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", ông Manning nói. "Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép".
Ông cũng cho biết trong khi các tàu di chuyển, Mỹ "duy trì sự phối hợp và liên lạc với các nước, cơ quan chức năng và các bên thích hợp". Đây "chắc chắn không phải là việc Bộ Quốc phòng Mỹ cố tình làm gia tăng căng thẳng hay bất cứ sự leo thang nào", người phát ngôn nói.
Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng trong những tháng qua. Lầu Năm Góc đã hủy lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC hồi tháng 5. Washington áp đặt trừng phạt một đơn vị thuộc quân đội Trung Quốc hồi tháng 9 cũng như tiến hành các "hoạt động tự do hàng hải" (FONOP) ở Biển Đông.