Nếu quyết định đánh Syria, nước Mỹ sẽ tự làm mình bị tổn thương. |
Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố kế hoạch tấn công Syria - đang đợi Quốc hội Mỹ phê duyệt - sẽ có giới hạn. Tuy nhiên, trong một bài bình luận đăng trên CNN, chuyên gia Kapil Komireddi nhấn mạnh, ý tưởng can thiệp giới hạn chỉ là ảo tưởng. Một khi quân Mỹ trực tiếp đặt gót giày lên đất Syria, họ có thể không còn đường quay lại.
Theo Tổng thống Obama, mục đích của cuộc tấn công giới hạn là nhằm truyền tải thông điệp tới Tổng thống Bashar al-Assad: Không được phép sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng một cuộc tấn công do Mỹ cầm đầu có khả năng mở rộng thay vì gói gọn vào mục tiêu trên.
Syria trên thực tế là một thực thể thống nhất, một đất nước có chủ quyền và có tên trên bản đồ thế giới. Trong nước, các nhóm lợi ích đang đấu tranh với nhau khiến đất nước rạn nứt, “chia năm, xẻ bảy”.
Không bên nào có thể tuyên bố đại diện cho gần như toàn bộ người dân Syria. Cũng không có thế lực nào có thể tuyên bố có thẩm quyền đối với gần như toàn bộ lãnh thổ trong nước. Một nhà nước đang tồn tại ở Damascus và có nhiều lực lượng đang nỗ lực để lật đổ hoặc chi phối chế độ. Tuy nhiên, sự chia rẽ nội bộ sâu sắc trong các lực lượng này khiến họ không thể đạt được mục đích mà không có sự hậu thuẫn từ bên ngoài. Trong hơn 2 năm nay, các lực lượng này đã tìm mọi cách để kích động Mỹ và phương Tây can thiệp vào Syria bằng cách bày ra hàng loạt bằng chứng về sự tàn bạo của chính phủ Assad.
Người biểu tình trong đó có cựu chuyên gia phân tích của CIA Ray McGovern (thứ 2 từ trái qua) tập trung ở phía bắc Nhà Trắng phản đối Mỹ can thiệp quân sự vào Syria. |
Với sự kiện tấn công hóa học khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng ngày 21/8, nếu Mỹ và phương Tây quyết can thiệp quân sự vào Syria, họ có thể bị các phe phái cực đoan trong hàng ngũ phe đối lập lợi dụng.
Phủ nhận các cuộc điều tra đa phương của Liên Hợp Quốc và vội vàng đổ trách nhiệm cho chế độ Assad, Mỹ quả quyết rằng chỉ có chính phủ Syria mới có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hóa học quy mô như vậy. Điều này có khả năng trở thành sự kích động chết người. Tiểu thuyết gia Amitav Ghosh - người dành nhiều năm nghiên cứu về các đội quân nổi dậy ở Châu Á - nhấn mạnh “viễn cảnh can thiệp tiềm năng” thường trở thành yếu tố kích động hay động lực để “các bên yếu hơn” tìm cách đẩy “bạo lực leo thang”.
Nếu việc sử dụng vũ khí hóa học là một cái cớ để lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột đã khiến 100.000 người thiệt mạng, thì tội ác này có thể bị các đối thủ của Tổng thống Assad - đặc biệt là các chiến binh nước ngoài có liên kết với mạng lưới khủng bố al-Qaeda – xem là một cơ hội chứ không phải là một tai họa.
Xuất phát từ những điều này, Mỹ sẽ làm gì nếu vũ khí hóa học tiếp tục được sử dụng ở Syria? Số lượng hơn 1.000 người Syria tử vong phải chăng là yếu tố thúc đẩy Mỹ can thiệp quân sự vào nước này bất chấp việc không có bằng chứng thuyết phục về trách nhiệm của chế độ Assad?
Dù quyết định như thế nào, thì sự can thiệp quân sự sâu vào Syria sẽ không chỉ khiến Mỹ tự làm họ tổn thương hơn là lợi ích thu được. Syria hiện đã trở thành một chiến trường hút chiến binh nước ngoài từ hơn 60 quốc gia. Tham vọng của những lực lượng này không đơn giản chỉ là đánh bại Tổng thống Assad. Đó là tham vọng thành lập một nhà nước thần quyền trong thế giới Arập. Chính sự nổi lên của những chiến binh thánh chiến này đã khiến các nhóm thiểu số tôn giáo và thế tục ở Syria quay trở lại ủng hộ Tổng thống Assad.
Trong trường hợp Mỹ kiên quyết can thiệp quân sự vào Syria, lật đổ chế độ Assad và ngăn chặn quyền lực rơi vào tay các chiến binh thánh chiến, Mỹ có thể buộc phải triển khai quân tại Syria trong hàng thập kỷ. Trong suốt thập kỷ đó, Mỹ sẽ lại lao vào cuộc chiến với các chiến binh thánh chiến, chật vật đánh bại tàn quân của Tổng thống Assad và các đồng minh như Hezbollah, bảo vệ Israel cũng như gìn giữ hòa bình mong manh ở Lebanon. Sau Afghanistan và Iraq, liệu Mỹ có muốn dấn thân một lần nữa vào chiến trường Trung Đông?