Thái độ lạnh nhạt của 2 nhà lãnh đạo Nga-Mỹ trong cuộc họp tại Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Bắc Ireland hôm 17/6. |
Khả năng Nhà Trắng đưa ra quyết định cuối cùng, hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo Nga-Mỹ càng cao hơn khi Moscow xem xét đơn xin tị nạn của “người thổi còi” Edward Snowden hiện bị Washington cáo buộc là gián điệp và đang cố tìm mọi cách để dẫn độ về nước.
Chưa dừng lại ở đó, giới chức Mỹ cũng cho biết, Nhà Trắng xem xét hủy bỏ các cuộc đàm phán song phương tại Moscow cũng là hành động trả đũa cho các bất đồng khác với Nga bao gồm việc Điện Kremlin kiên quyết hỗ trợ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Mỹ cáo buộc Nga đang hỗ trợ quân sự cho Tổng thống Assad, cho phép ông này giữ vững quyền lực trong suốt hơn hai năm xung đột tại Syria.
Tuy nhiên, Nhà Trắng thông báo, bất kể Nga quyết định như thế nào về Snowden, Tổng thống Obama vẫn tham dự một hội nghị thượng đỉnh quốc tế tại thành phố St Petersburg, Nga.
"Tổng thống dự định sẽ tới Nga dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Nhưng chưa có bất cứ thông báo cụ thể nào về chuyến thăm Moscow của tổng thống vào mùa thu mà chúng tôi đã công bố trước đó", phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nhấn mạnh.
Với động thái xem xét hủy bỏ chuyến thăm Moscow, chính quyền Obama đã tỏ rõ phản ứng của họ về khả năng điện Kremlin cho phép “người hùng” Snowden tị nạn tại Nga. Nhà Trắng đã kêu gọi Nga dẫn độ cựu nhân viên CIA về nước để chịu xét xử.
Andrew Kuchins, Giám đốc Chương trình Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thừa nhận, vụ Snowden chắc chắn là động lực để Nhà Trắng xem xét hủy bỏ chuyến thăm Moscow của Tổng thống Obama song đây không phải là lý do duy nhất.
Đồng thời nhà phân tích này bình luận, đe dọa hủy bỏ các cuộc đàm phán song phương của Nhà Trắng có thể tác động hiệu quả hơn đối với Tổng thống Putin khi ông chủ Điện Kremlin có thể muốn tránh một rắc rối mới trên sân khấu chính trị thế giới.
"Khi sự chú ý của thế giới đang đổ dồn vào ông ấy và nước Nga, Tổng thống Putin chắc chắn không muốn tạo ra những rắc rối, phiền toái hơn nữa". ông Kuchins bình luận.
Rõ ràng, khả năng hủy bỏ các cuộc đàm phán song phương cũng sẽ làm căng thăng giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Nga càng thêm căng thẳng. Đồng thời, chắc chắn điều này sẽ khiến 2 nước càng khó tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề bất đồng đang đóng băng quan hệ song phương.