Sai lầm F-4
Theo National Interest, những năm 1950, khi Mỹ chế tạo máy bay chiến thuật F-4 Phantom, lúc đó, các chuyên gia quân sự đã tự tin tuyên bố rằng, thời đại của những cuộc không chiến tầm gần với súng đã kết thúc. Tên lửa sẽ là vũ khí kết liễu đối phương từ xa.
F-4 thế hệ đầu không được trang bị pháo tỏ ra yếu thế trong không chiến với các tiêm kích MiG nhanh nhẹn của Không quân Việt Nam. Ảnh: Wikipedia |
Người Mỹ quá tự tin vào sức mạnh công nghệ nên cho rằng súng không còn cần thiết đối với F-4, 8 tên lửa các loại treo hai bên cánh là quá đủ để tiêu diệt mọi đối phương. Giai đoạn chiến tranh Việt Nam leo thang, quân đội Mỹ điều động máy bay F-4 đến khu vực. Giới quân sự Mỹ tuyên bố rằng, Phantom với những công nghệ hiện đại được trang bị sẽ dễ dàng tiêu diệt những chiếc MiG lạc hậu do Liên Xô viện trợ cho miền Bắc Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế không chiến trên bầu trời miền Bắc khiến giới quân sự Mỹ hốt hoảng. Tên lửa hoạt động không như quảng cáo của nhà sản xuất. Những phi cơ MiG nhanh nhẹn có thể cơ động để tránh tên lửa. Mặt khác, tên lửa chỉ có thể hoạt động ở khoảng cách nhất định nên khi không chiến quần vòng ở cự ly gần, vũ khí này trở nên vô dụng.
Trong khi đó, MiG rất cơ động trong các tình huống không chiến tầm gần, nó thiếu radar và tên lửa tầm xa, nhưng những khẩu pháo lắp trên máy bay đã kết liễu số phận của nhiều chiếc F-4. Thậm chí những máy bay bà già như MiG-17 cũng dễ dàng gạ gục chiến đấu cơ hiện đại của Mỹ bằng pháo. Kết quả không chiến nghèo nàn buộc Lầu Năm Góc phải tiến hành chương trình huấn luyện chiến đấu khác biệt Top Gun và bổ sung thêm pháo cho F-4.
F-35 lặp lại lịch sử?
Sau khi thông tin tiêm kích tàng hình F-35 tỏ ra yếu thế khi không chiến tầm gần với F-16 được công bố gây chấn động dư luận Mỹ và một số nước đối tác. Nhiều nhà phân tích đã lên tiếng chỉ trích dự án "nhiều tiền, lắm tiếng" của Lầu Năm Góc. Nhà phân tích quốc phòng Dennis Jensen của Australia lập luận, người Mỹ tiếp lục lặp lại sai lầm trong quá khứ khi quá tin vào sức mạnh công nghệ trong quá trình chế tạo F-35.
F-35 (phía trên) không thể chiếm ưu thế trong không chiến quần vòng cự ly gần với F-16 (phía dưới). Ảnh: Aspistrategist |
Những chuyên gia quân sự ủng hộ dự án lập luận rằng, F-35 được thiết kế để tiêu diệt đối phương bên ngoài tầm nhìn thông qua sự kết hợp giữa tính năng tàng hình, cảm biến tiên tiến và vũ khí hiện đại. Đối phương có rất ít cơ hội để tiếp cận F-35 ở cự ly gần, nên không chiến quần vòng cự ly gần không phải là trọng tâm thiết kế của tiêm kích này.
Lầu Năm Góc liên tục thuyết trình rằng, chúng ta có máy bay chiến đấu tuyệt vời được trang bị radar cùng một loạt cảm biến và vũ khí tiên tiến. Những cuộc không chiến tầm gần sẽ đi vào dĩ vãng với các tên lửa không đối không tầm xa.
Nhưng công nghệ quốc phòng thế giới không ngừng phát triển nên không có gì bảo đảm những công nghệ mà nhà sản xuất áp dụng cho F-35 sẽ chiếm ưu thế trước đối phương, Jensen lập luận. Trong khi đó, yếu thế ở không chiến tầm gần chính là tử huyệt của siêu tiêm kích này.
Mục tiêu thiết kế của F-35 là thay thế cho các tiêm kích thế hệ cũ như F-16, F-15 và F/A-18. Nhưng tiêm kích tiên tiến nhất của Mỹ không thể chiếm ưu thế trước chiến đấu cơ ra đời hơn 4 thập kỷ trước. Jensen tỏ ra lo lắng với kế hoạch chi 10 tỷ USD để mua tiêm kích F-35 của Australia. Ông lập luận, F-35 yếu thế trong không chiến tầm gần với F-16, thì chẳng có mấy cơ hội cho siêu tiêm kích này khi đối mặt với những chiến đấu cơ nhanh nhẹn khác.
Một số quốc gia trên thế giới đã đưa vào sử dụng các tiêm kích có khả năng hành trình siêu tốc mà không cần sử dụng buồng đốt 2 lần. Chúng sẽ kết liễu số phận của siêu chiến đấu cơ này, tương tự như việc máy bay bà già MiG-17 hạ gục F-4 ở chiến trường Bắc Việt. Vị chuyên gia đồng thời là thành viên Hạ viện Australia cho rằng, người Mỹ đã quên bài học đắt giá ở chiến trường Việt Nam trong dự án nghìn tỷ USD F-35.