Khoảng 2.000 binh sỹ Mỹ hiện diện ở Syria để phục vụ các hoạt động mà Mỹ nói là để chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, bên cạnh dân quân người Kurd và quân đội các nước đồng minh. Tuy nhiên, gần 1 tháng sau tuyên bố rút quân, AP ngày 11-1 dẫn thông báo của một quan chức quốc phòng Mỹ xác nhận chỉ một số khí tài được rút tới các căn cứ khác của Mỹ ở Trung Đông.
Quan chức giấu tên nói rằng việc rút khí tài là một phần của "tiến trình rút quân thận trọng" khỏi Syria. Người này thậm chí cho biết "một số lượng không xác định binh sỹ" Mỹ đã được "bổ sung" tới Syria để "trợ giúp tiến trình rút quân khỏi Syria". Trong số này bao gồm cả binh sỹ để đảm bảo tăng cường an ninh.
Xe quân sự Mỹ ở Syria. |
Hôm 10-1, đại diện liên quân Mỹ ở Syria Sean Ryan, cũng thông báo liên quân đã bắt đầu tiến hành rút lính khỏi quốc gia Trung Đông này, song không nói rõ thời gian việc này hoàn thành và đích đến của các binh sĩ Mỹ sau khi rút quân.
Tháng 9-2014, nhân danh liên minh quốc tế chống IS, Mỹ khởi động đợt không kích có hệ thống nhằm vào các mục tiêu ở Syria và Iraq. Các chuyên gia cho rằng, Mỹ đã đặt ra mục tiêu cho hoạt động này là để một mặt tiêu diệt IS, mặt khác trợ giúp phe phiến quân chống chính phủ ở Syria gián tiếp đánh vào lực lượng của Tổng thống Assad.
Sau 4 năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19-12-2018 thông báo sẽ rút toàn bộ binh sĩ khỏi Syria trong khoảng 1-4 tháng với lí do mục tiêu duy nhất là đánh bại IS, đã hoàn thành. Nhà Trắng cùng ngày xác nhận toàn bộ giới chức ngoại giao Mỹ đã rời Syria và quân đội Mỹ bắt đầu rút về nước sau khi thực hiện sứ mệnh chống IS.
Động thái bất ngờ của ông Trump đã gây một trận bão lớn từ Trung Đông đến Lầu Năm Góc, với việc nhiều quan chức quốc phòng Mỹ phải "bỏ ghế", đồng thời khiến Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), với nòng cốt là lực lượng dân quân người Kurd được Mỹ hậu thuẫn, thất vọng sâu sắc, do họ đã sát cánh cùng Washington suốt nhiều năm qua để chống IS.
Vài ngày sau, hôm 2-1, ông Trump lại nói rằng ông sẽ rút quân khỏi Syria, song là "sau một khoảng thời gian nhất định", chứ không phải trong vài tháng nữa, dấy lên nghi ngại ông chủ Nhà Trắng đã đổi ý về quyết định rút quân.
Hiện Mỹ sở hữu khoảng 22 căn cứ quân sự ở lãnh thổ Syria. Mỹ chưa nói rõ liệu nước này sẽ bàn giao các căn cứ này cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho SDF hay sẽ phá huỷ chúng. SDF hiện đang đối mặt với nguy cơ tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nhóm này phải gấp rút tìm kiếm thoả thuận hoà giải với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.