Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã xác nhận thông tin trên đồng thời cho biết, khoản cho vay nói trên là một phần trong kế hoạch viện trợ tài chính quốc tế dành cho Ukraine. Cũng theo ông Kerry, Mỹ sẽ xem xét thêm các loại viện trợ trực tiếp khác dành cho Ukaine.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry thông báo, Mỹ đang xem xét viện trợ tài chính 1 tỷ USD cho Ukraine. |
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định, 1 tỷ USD mà Mỹ dự định cho Ukraine "vay nóng" chỉ như "muối bỏ bể" khi chính phủ lâm thời nước này công bố cần tới 35 tỷ USD mới trách được nguy cơ vỡ nợ, đồng thời ra sức kêu gọi Liên minh châu Âu, Mỹ cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế cứu trợ tài chính khẩn cấp.
Nhiều nhà phân tích nhận định, phương Tây và Mỹ sẽ không thể "hào phóng" với Ukraine như Nga vì bản thân họ cũng đang phải vật lộn đối phó với khủng hoảng tài chính trong nước. Moscow từng ký thỏa thuận cứu trợ tài chính trị giá tới 15 tỷ USD với Kiev nhưng đã đình chỉ thỏa thuận sau khi Tổng thống thân Nga Yanukovych bị lật đổ.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo, việc can thiệp quân sự vào Ukraine “sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”: “Bất cứ sự can thiệp quân sự nào vào Ukraine sẽ vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của một Ukraine có chủ quyền. Đây sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”.
Cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm qua khẳng định, Nga đang thực thi các biện pháp tăng cường để đảm bảo an ninh tại các cơ sở quân sự của nước này ở bán đảo Crimea của Ukraine. Khu vực này là nơi Hạm đội Biển Đen của Nga đang đóng quân. Trong khi đó, truyền thông Nga và Ukaine rầm rộ đưa tin, Nga đã tăng quân (lên tới hàng nghìn binh sĩ có vũ trang) tới bán đảo Crimea để bảo vệ các căn cứ quân sự của nước này tại đây.
Sĩ quan Hải quân Nga đứng gác phía trước một tàu chiến. |
Trong bối cảnh tình hình Ukraine diễn biến phức tạp, khó lường, các cựu Tổng thống Ukraine lên tiếng cảnh báo những thách thức về mặt chính trị và xã hội mà nước này đang phải đối mặt, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng của chính phủ mới phải nỗ lực và tích cực tìm cách giải quyết những vấn đề trên.
“Giới lãnh đạo mới nên hành động nhanh chóng và có hệ thống để ngăn chặn những diễn biến tiêu cực, có thể trở thành mối đe dọa cho việc xây dựng một Ukraine mới”, một tuyên bố chung của 3 cựu tổng thống Ukraine bao gồm Leonid Kravchuk, Leonid Kuchma và Viktor Yushchenko nhấn mạnh.
Theo các cựu tổng thống Ukraine, âm mưu kích động ly khai ở các vùng phía đông và phía nam của nước này hiện là thách thức lớn nhất đối với chính phủ mới. Xu hướng tiêu cực khác đe dọa sự ổn định xã hội Ukraine còn bao gồm: “Tình trạng hỗn loạn, vô trật tự, vô pháp luật…” đang nổi lên.
Trong một động thái liên quan, chính quyền mới ở Ukraine vừa liệt Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych vào danh sách bị truy nã quốc tế.
Theo Trưởng Công tố tạm quyền Oleh Makhnytsky, song song với việc liệt ông Yanukovych vào danh sách bị truy nã quốc tế, chính phủ lâm thời Ukraine đã thành lập một nhóm đặc biệt để truy lùng ông này. Truyền thông Nga hôm qua đưa tin, ông Yanukovych đang nghỉ dưỡng tại thủ đô Moscow, Nga. Cùng với ông Yanukovych, Ukaine cũng đưa cựu Bộ trưởng Nội vụ Vitaly Zakharchenko vào danh sách truy nã.