Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sáng 28/3 (theo giờ Việt Nam) triệu tập cuộc họp khẩn về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận chủ quyền của Israel về Cao nguyên Golan. Tại cuộc họp, Mỹ đã bị cô lập hoàn toàn khi có 14 trong số 15 quốc gia thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc phản đối bước đi này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/3 đã ký một sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, khơi mào cho làn sóng phản đối tại nhiều nước trên thế giới. Cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc diễn ra sau khi Syria gửi thư cho Pháp, nước hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, để đề nghị cơ quan này họp khẩn, đồng thời gọi quyết định của Mỹ là “sự vi phạm trắng trợn” những nghị quyết của Liên hợp quốc.
Vị trí chiến lược của Cao nguyên Golan. |
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar Jaafari khẳng định: "Syria lên án tuyên bố bất hợp pháp do Tổng thống Mỹ đưa ra vào ngày 25/3 về quy chế của Cao nguyên Golan bị chiếm đóng. Syria coi tuyên bố của Tổng thống Trump là "món quà" cho Thủ tướng Issrael, là tuyên bố đơn phương của một bên. Sẽ không có giá trị pháp lý chính trị hay hợp pháp về mặt đạo đức để đưa ra các quyết định như vậy cũng như việc quyết định số phận, vận mệnh của các dân tộc khác và vùng đất mà họ thuộc về, và trong trường hợp này thì thuộc lãnh thổ của đất nước tôi”.
Bảo vệ quyết định của mình, Điều phối viên chính trị thuộc phái bộ của Mỹ tại Liên hợp quốc Rodney Hunter cho rằng, quyết định của Mỹ công nhận chủ quyền của Israel tại Cao nguyên Golan vào thời điểm này là phù hợp. Ông Hunter nhấn mạnh:
“Mỹ và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc không thể chấp nhận những nỗ lực của Syria thiết lập sự hiện diện tại khu vực đã bị chia cắt như một chuẩn mực mới. Do đó Mỹ kêu gọi Liên bang Nga sử dụng ảnh hưởng với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, gây sức ép với các lực lượng Syria để tuân thủ cam kết của mình và ngay lập tức rút khỏi khu vực bị chia tách”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP) |
Tuy nhiên, Mỹ dường như bị cô lập với quyết định của mình tại cuộc họp này khi nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ cũng không ủng hộ quyết định này. Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Karen Pierce cho rằng, quyết định của Mỹ đi ngược lại với Nghị quyết 1981. Các nước thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc bao gồm Pháp, Anh, Đức, Bỉ và Ba Lan cũng bày tỏ lo ngại về những hậu quả lớn hơn của quyết định này đối với khu vực. Liên hợp quốc trước đó khẳng định, quy chế đối với Cao nguyên Golan chưa thay đổi sau quyết định của Mỹ.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề xây dựng hòa bình và chính trị Rosemary Dicarrlo một lần nữa khẳng định lập trường này của Liên hợp quốc:
“Tôi nhấn mạnh rằng lập trường của Tổng thư ký Liên hợp quốc đã rất rõ ràng. Lập trường đã được phản ánh trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đại hội đồng Liên hợp quốc, chủ yếu là các nghị quyết 242 và 497 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Chúng tôi hi vọng các diễn biến gần đây sẽ không được tận dụng như một cái cớ của bất cứ ai theo đuổi các hành động có thể làm hủy hoại sự ổn định tình hình về Golan và cả khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình”.
Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông 1967, sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981, động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. Với quyết định công nhận chủ quyền của Israel về Cao nguyên Golan và trước đó công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel được đánh giá là " món quà" mang lại lợi thế lớn cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc bầu cử quan trọng tại quốc gia này tháng tới.
Tuy nhiên, dư luận quốc tế ngay lập tức có phản ứng cho rằng, bước đi đơn phương này của Mỹ vi phạm Hiến chương liên hợp quốc và luật quốc tế, tác động tiêu cực đến tiến trình hòa bình tại Trung Đông, cũng như an ninh và ổn định trong khu vực.