Có lẽ lì xì là cách gọi của người dân miền Nam, còn ở miền Bắc, với người già thì gọi là “Mừng tuổi đầu năm” - hàm ý cầu chúc sức khỏe, còn với trẻ con thì gọi là “Phát vốn” - hàm ý cầu chúc sau này có lộc có tài, có vốn liếng cho cuộc đời.
Có lẽ Lìxì là cách gọi của người Miền Nam. Ảnh: IT |
Thường thì chỉ “Mừng tuổi” người già và “Phát vốn” trẻ con - chứ không có chuyện “đưa tiền cho nhau” ở lứa tuổi trưởng thành. Việc mừng tuổi, lì xì thực sự mang ý nghĩa tượng trưng! Thế rồi, cái “dạ dày văn hóa” của người Việt bỗng dưng “hầm bà làng” gọi chung là lì xì.
Không những thế, lì xì biến tướng thành “đưa tiền cho nhau”. Và rồi người ta dùng hẳn “tiếng Anh” cho sang mồm là “lucky money”. Nhưng hãy ngẫm về việc này, cận Tết nhiều người chạy đôn chạy đáo lo đổi tiền mới - thậm chí phải mua tiền mới, làm bao lì xì - hoặc mua bao lì xì.
Rồi phân chia, đóng gói, cái nào bên trái, cái nào bên phải để… đừng nhầm “mệnh giá”. Rất nhiều chuyện dở khóc dở cười. Tôi xin kể một chuyện thôi: anh bạn tôi chuẩn bị sẵn 2 món lì xì để tặng 2 con sếp, nhưng khi đến nơi lại thấy mấy đứa cháu ruột sếp ở đó.Tất nhiên 2 bao lì xì đã chuẩn bị đến đúng địa chỉ; còn mấy đứa cháu được lì xì “dự phòng”. Cơ khổ, 2 con sếp bóc ra thấy 500 nghìn đồng/cháu; còn các cháu “ăn theo” chỉ có 50 nghìn đồng/cháu. Thế là bọn trẻ khóc lóc, so bì, tỵ nạnh khiến cả chủ lẫn khách đều… phát ngượng.
Chưa có thống kê nào về công sức, tiền bạc để “in ấn, phát hành” bao Lìxì - nhưng chắc chắn là không nhỏ. Và với Việt Nam, đó là sự lãng phí, kéo theo nó là biết bao nhiêu sự phiền hà và xấu xí. Có nên dẹp bỏ “hủ tục” này hoặc chí ít cũng làm cho nó trở thành nét đẹp văn hóa đúng nghĩa?