"Hết ý tưởng hay ho, làm video ngày càng nhảm, câu view", "Tuyên bố nghỉ coi sau video ăn chân gấu, quá hãi"... là một vài trong vô số ý kiến chỉ trích mà Quỳnh Trần JP đang phải đối mặt.
Quỳnh Trần JP vốn nổi lên với vlog ăn uống và video chia sẻ cuộc sống, trải nghiệm ở Nhật Bản. Tuy nhiên, gần đây kênh này bị đánh giá ngày càng mất chất, cố tình tạo nội dung gây sốc như "ăn chân gấu", "câu cá mập", hay "ăn cá mập cuốn bánh tráng" để câu kéo người xem.
Quỳnh Trần JP bị chỉ trích vì chia sẻ clip ăn chân gấu. |
Khi trào lưu mukbang, phát sóng cảnh ăn uống, thoái trào, việc những kênh như Quỳnh Trần JP níu kéo người xem bằng những clip nhảm nhí, kỳ quặc, phản cảm là điều được tiên liệu và đang ngày một phổ biến.
Trước sự biến tướng của trào lưu, một số nước đã đưa ra các quy định giám sát chặt chẽ để bảo vệ người xem, hạn chế nội dung tiêu cực và thanh lọc không gian mạng.
Đánh đổi để nổi tiếng
Mukbang là các chương trình phát sóng ăn uống có nguồn gốc từ Hàn Quốc, trong đó người tham gia tiêu thụ lượng lớn thức ăn trong khi ngồi trước máy quay để giao lưu với khán giả. Xu hướng này bắt đầu bén rễ ở Trung Quốc khoảng 5 năm trước, sau đó lan nhanh khắp châu Á, một số nước phương Tây khi các nền tảng chia sẻ video và phát trực tiếp nở rộ.
“Ăn thùng uống vại” có lịch sử lâu đời. Trước mukbang, thường có những cuộc thi ăn mà người tham gia ngồi vào một bàn dài và xem ai có thể ăn nhiều nhất, chẳng hạn như hàng chục chiếc hotdog và bánh mì kẹp thịt. Người chiến thắng được xác định bằng thời gian hoặc lượng thức ăn.
Tuy nhiên, khác với các cuộc thi ăn chỉ diễn ra tùy dịp, mukbanger ngày nay phải “ăn thùng uống vại” mỗi ngày. Khi ăn uống trở thành nghề nghiệp, người phát trực tiếp phải ăn mọi thứ một cách ngon miệng, kể cả khi món ăn đó có lạ lùng và khó nuốt đến đâu.
Không chỉ vậy, để gia tăng lượng người xem, các mukbanger phải không ngừng ăn nhanh hơn, ăn nhiều hơn, tiêu thụ hàng nghìn calo mỗi ngày. Chính vì vậy, xu hướng mukbang thường đi ngược lại với chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh.
Trào lưu mukbang bắt nguồn từ Hàn Quốc ngày một biến tướng. |
Tuy nhiên, ăn nhiều thôi chưa đủ. Chàng trai ăn 30 hột vịt lộn, cô gái "xử" hết 100 viên sushi, nữ mukbanger ăn hết nguyên con cừu trong 2 tiếng… Khi số lượng cứ tăng đều, người xem cũng dần bị nhàm chán.
Lúc này, những kênh ăn uống nổi bật bắt đầu tìm kiếm yếu tố mới lạ bằng cách dàn dựng các chương trình chỉ ăn các món cay, đồ ngọt hoặc những món lạ kỳ, không giống ai: nguyên con bạch tuộc sống, ấu trùng còn sống, sinh tố ếch tươi…
Gao Lei, phó chủ tịch Bệnh viện Renai Thượng Hải và là một chuyên gia về tiêu hóa, cảnh báo thói quen ăn uống cực đoan, vô độ dẫn đến các vấn đề như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch vành và gây tử vong.
“Ăn quá nhiều, không cần biết thức ăn có tốt cho sức khỏe hay không, không chỉ có hại cho dạ dày, nó còn liên quan nhiều đến vấn đề tuổi thọ”, Gao nói.
Tẩy chay diện rộng
Khi mukbang dần phô bày mặt tối, chính phủ các nước đã bắt đầu hành động.
Tháng 8/2020, Trung Quốc quyết định tái khởi động chiến dịch "Clean Plate 2.0" nhằm tiết kiệm thực phẩm. Một tháng sau đó, cơ quan giám sát Internet nước này đã xóa 13.600 video ngắn và tài khoản livestream về ăn uống vì vi phạm chính sách chống lãng phí thực phẩm của chính phủ.
Cuối năm 2020, dự luật xem xét cấm "các video quay cảnh con người ăn nhiều thức ăn một cách vô lý" được đệ trình lên cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc. Theo đó, trào lưu mukbang sẽ sớm bị coi là bất hợp pháp tại quốc gia tỷ dân, theo Sixth Tone.
Đến giữa tháng 4 vừa qua, clip mukbang đồ uống cũng bị cơ quan giám sát Internet Trung Quốc liệt vào danh sách hạn chế vì “gây tổn hại đến sức khỏe của người biểu diễn, làm lãng phí thức ăn, cũng như thúc đẩy tâm lý xấu xí và gây tổn hại hệ sinh thái lành mạnh của nền công nghiệp”.
Sau hàng loạt lệnh cấm, các mukbanger Trung Quốc rơi vào thế khó. Nhiều kênh ăn uống buộc phải đổi tên và chuyển hướng hoạt động. Các cụm từ như “vua bụng bự”, “người bụng bự” đều biến mất trong tên gọi của những kênh từng có hàng chục triệu lượt theo dõi.
Hàng loạt clip mukbang bị xóa ở Trung Quốc. |
Ngay tại chính quê hương Hàn Quốc, trào lưu mukbang cũng bước vào giai đoạn thoái trào sau hơn 10 năm xuất hiện.
Cuối năm ngoái, hàng loạt kênh ăn uống nổi tiếng của Hàn Quốc như Boki, Tzuyang và Mbro bị cáo buộc lừa dối người hâm mộ khi không công khai, minh bạch các nội dung quảng cáo, Yonhap đưa tin.
Theo đó, những mukbanger có hàng triệu follower này đã nhận tiền để quảng cáo cho các hàng thức ăn nhanh, song không hiển thị rõ điều này trong các clip ăn uống của mình.
Làn sóng tẩy chay lớn đến mức cơ quan giám sát thương mại công bằng của Hàn phải đưa ra bộ quy tắc mới dành cho các mukbang nói riêng và những người sáng tạo nội dung trên nền tảng trực tuyến nói chung.
Bộ quy tắc yêu cầu nội dung quảng cáo phải được thể hiện rõ bằng chữ viết, lời nói trong các clip để “ngăn chặn thiệt hại cho người tiêu dùng do quảng cáo lừa đảo”.