Một doanh nghiệp du lịch cho biết, thưởng tết là khái niệm xa xỉ vào lúc này. |
Dự báo về mức thưởng tết năm nay, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, sẽ thấp hơn năm ngoái.
Theo ông Trung, đây là một năm khó khăn đối với hầu hết doanh nghiệp và người lao động nên giữa hai bên cần có sự chia sẻ. Đối với một số ngành nghề như thương mại điện tử, kinh doanh online, công nghệ thông tin…, ông Trung cho rằng, mức thưởng tết có thể sẽ cao hơn. Các ngành khác, doanh nghiệp có thể tính toán mức hợp lý, làm sao thưởng đảm bảo các chế độ để giữ chân người lao động sau dịch COVID-19.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá: Năm nay, trong khó khăn có một số lĩnh vực vẫn phát triển, như thương mại điện tử phát triển mạnh, hay bất động sản vẫn tăng giá. Các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đủ việc làm và thu nhập cho người lao động.
“Doanh nghiệp đủ việc làm thì họ vẫn cố gắng để thưởng tết cho người lao động sau 1 năm vất vả, và cũng là để tri ân, giữ chân người lao động. Mức thưởng sẽ không đột biến, cơ bản vẫn chỉ là tháng lương thứ 13, đó cũng là nỗ lực rất lớn và thể hiện trách nhiệm của chủ sử dụng với người lao động”, ông Quảng nói.
Hiện công đoàn các địa phương đang lên kế hoạch tổ chức chương trình "Tết sum vầy", với định hướng chăm lo cho người lao động gặp khó khăn, không để người lao động nào không có tết.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ ngày 1/1/2021, Luật Lao động (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, người lao động có thể không nhận thưởng hoặc không nhất thiết nhận thưởng bằng tiền mặt.
Cụ thể, Điều 104 quy định về “thưởng” thay vì “tiền thưởng” như trước. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Như vậy, thay vì chỉ được thưởng cho người lao động tiền, trong Bộ luật Lao động sửa đổi mới đã mở rộng các hình thức thưởng khác, cho phép người sử dụng lao động có thể thưởng tết cho người lao động bằng hiện vật như như chính hàng hóa, dịch vụ của công ty; phiếu mua hàng giảm giá, chuyến du lịch, vé tàu, vé xe,… thay vì tiền mặt.
Sớm có báo cáo thưởng tết
Bộ LĐ-TB&XH vừa gửi công văn đề nghị các sở LĐ-TB&XH địa phương yêu cầu báo cáo tình hình tiền lương thưởng, nợ lương, vay tiền trả lương của các doanh nghiệp trên 63 tỉnh, thành trước ngày 27/12.
Theo đó, 4 loại hình doanh nghiệp được yêu cầu rà soát, gồm: Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu rà soát tình hình nợ lương, vay để trả lương ngừng việc năm 2020 của doanh nghiệp chủ yếu ở 4 nhóm ngành nghề, gồm: Da giày, dệt may, chế biến thủy sản, chế biến gỗ...