Mức độ cực nguy hiểm của tuý 'nước xoài'
(VietnamDaily) - Ma túy “nước xoài" là loại ma túy mới du nhập vào Việt Nam thông qua con đường buôn bán, vận chuyển chui lủi. Chất này rất nguy hiểm, uống liều quá cao có thể dẫn đến hậu quả khôn lường là ngộ độc, hôn mê.
Ngày 2/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 5 (TPHCM) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam đối với Nguyễn Tiến Đạt (21 tuổi, quê An Giang, sinh viên đại học) để điều tra về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Quận 5 phát hiện, bắt giữ khi Đạt đang tàng trữ một gói nylon chứa chất bột màu vàng có dòng chữ “Crispy Fruit Mango” nghi là ma túy.
Theo kết quả giám định, chất bột màu vàng trong gói nylon trên có khối lượng 17,6 gram, là ma túy ở thể rắn, loại Bromazepam. Đối tượng Đạt khai nhận, đây là loại ma túy “nước xoài” lấy từ người tên Th. ở huyện Nhà Bè để đi giao cho khách. Đạt đã giao thành công 3 gói.
|
Loại ma túy “nước xoài” mới du nhập vào Việt Nam. |
Theo Nghị định 73/2018 ngày 15/5/2018 của Chính phủ Quy định danh mục chất ma túy và tiền chất thì chất Bromazepam được xếp vào danh mục 3 là các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Ma túy nước xoài được ngụy trang theo một cách hoàn toàn mới, chưa từng bị phát hiện trước đó ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Loại ma túy này được sử dụng để pha uống nên được ngụy trang như một loại nước giải khát, công an nghi ngờ ngoài ma túy nước xoài này còn có thể có những loại bột ma túy mang tên những trái cây khác nhắm vào lớp trẻ.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân và các bậc phụ huynh cần theo dõi con em mình để không bị cuốn vào loại ma túy mới này gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như học tập. Nếu phát hiện người bán loại ma túy nêu trên, cần báo ngay với cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM chia sẻ trên Pháp luật TP HCM, trong y học, Bromazepam là thuốc chữa bệnh nhưng vì có thể gây lệ thuộc nên được sử dụng trong y học một cách hạn chế.
Bromazepam đã có trên thế giới từ những năm 1970 và có ở Việt Nam từ năm 1995.
Bromazepam dùng để điều trị rối loạn lo âu, trầm cảm và mất ngủ. Liều tối đa được phép sử dụng là 30mg/ngày tức là 5 viên.
Người uống liều thấp có thể giải lo âu, liều cao gây buồn ngủ (>1/2 viên). Người bình thường uống 1/4 viên tức là 1,5mg thì có thể đã buồn ngủ. Trên các chai thuốc chứa hoạt chất bromazepam luôn cảnh báo khi được vận hành máy móc hoặc lái xe.
Nếu uống liều quá cao có thể dẫn đến hậu quả khôn lường là ngộ độc, hôn mê. Nếu uống thường xuyên, thuốc có thể gây lệ thuộc và ảnh hưởng não bộ. Cũng theo BS Hiển, thuốc này trước năm 2007, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM có sử dụng nhưng sau này quá trình nhập thuốc gặp khó khăn nên BV đã sử dụng các loại thuốc khác thay thế cùng họ như diazepam (seduxen).