Từ con ốc bươu vàng
Một số cánh đồng trong tỉnh không xuống giống lúa vụ 3 là điều kiện cho ốc bươu vàng phát triển. Những năm trước đây, ốc bươu vàng chỉ được sử dụng để làm thức ăn cho chăn nuôi thời gian gần đây đã trở thành món ăn được nhiều thực khách ưa chuộng.
Vì vậy, bắt ốc bươu vàng dần trở thành “chén cơm” của nhiều hộ nghèo trong mùa nước nổi.Mỗi ngày, khoảng 5 giờ chiều là vợ, chồng ông Nguyễn Văn Nhã (ngụ xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) lại lấy vỏ lãi đi cào ốc ở những cánh đồng ngoài đê bao, ngập nước trong và ngoài xã.
Công việc này thường kéo dài đến 11-12 giờ đêm. Sau đó, chạy vỏ lãi về điểm tập kết gần để bán lại cho thương lái. “Mỗi ngày, gia đình ông Nhã cào từ 500-600kg, bán cho thương lái với giá 1.000-1.200 đồng. Trừ chi phí, thu nhập khoảng 200.000-400.000 đồng”- ông Nhã cho hay.
Mưu sinh bằng nghề lể ốc. |
Không vất vả như công việc cào ốc, nghề lễ ốc bươu vàng của bà con xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) có phần nhẹ nhàng hơn. Công việc này thường bắt đầu lúc 2-3 giờ sáng và kết thúc lúc 11-12 giờ trưa. Vì vậy, người lao động vừa có thể làm công việc gia đình, vừa có thể tham gia lể ốc, từ đó có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống.
Chị Lê Thị Thu (làm thuê tại một cơ sở chế biến ốc) cho biết, chủ vựa sẽ trả công cho người lao động theo sản phẩm. Một giỏ ốc được trả công 5.000-6.000 đồng, bình quân mỗi người có thể làm từ 12-15 giỏ ốc/ngày, thu nhập khoảng từ 70.000-90.000 đồng/ngày.
“Công việc này ổn định quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là thời điểm mùa nước nổi. Khi nước rút, người dân trực tiếp đi bắt, làm sạch rồi bán lại cho các chủ vựa tại địa phương” - chị Thu cho biết. Trên địa bàn xã hiện có 3 điểm thu mua và chế biến ốc, tạo việc làm ổn định cho khoảng 100 lao động nông thôn với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Văn Tuyết, chủ một cơ sở cho biết, tại cơ sở của anh có hơn 50 lao động làm việc mỗi ngày. Công việc này đơn giản và không cần có tay nghề, chỉ cần kiên trì là có thể làm được. Mỗi ngày, cơ sở anh làm trên dưới 2 tấn ốc, bán với giá 13.000-14.000 đồng/kg.
“Hiện nay, ở Bình Dương có nhu cầu rất lớn về sử dụng ốc làm thức ăn nên nguồn hàng rất hút. Mặt hàng này được tiêu thụ mạnh, cơ sở chúng tôi làm được bao nhiêu các vựa đều lấy hết. Hiện nay, nguồn cung trong tỉnh hạn chế nên ốc bươu vàng được thu mua chủ yếu từ Campuchia với giá từ 1.000-3.000 đồng/kg”- anh Tuyết thông tin thêm.
Đến việc mổ cá
Thời điểm này, những người sinh sống bằng nghề đánh bắt cá mùa nước nổi đang miệt mài trên những cánh đồng trắng nước. Chỉ cần 1 chiếc xuồng và một số dụng cụ, như: lưới, lú, dớn… là có thể kiếm thêm thu nhập từ nguồn thủy sản tự nhiên.
Tuy nhiên, đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn hoặc không có điều kiện để trang bị ngư cụ đánh bắt cá, hay những người phụ nữ, người già sức khỏe không đảm bảo vẫn có thể “sống chung với lũ”… bằng nghề sơ chế cá.
Cắt đầu cá kiếm thêm thu nhập |
Từ đầu mùa nước nổi đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) nhờ công việc cắt đầu cá thuê mà có được thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày. Theo bà Bùi Thị Mỹ Hạnh (56 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tế), cá linh sau khi được cắt đầu sẽ giao lại cho chủ. Sau đó, chủ chở đi bỏ mối cho các vựa ủ làm mắm cá linh sống ở TP. Châu Đốc.
“Nghề cắt đầu cá này kéo dài khoảng 3 tháng, từ tháng 12 cá rút hết ra sông nên hết mùa làm cá mắm. Hiện nay, mỗi kg cá được chủ trả công 3.000 đồng. Tùy theo ngày, nếu có cá nhiều cắt được vài chục kg, kiếm được khoảng 100.000 đồng”- bà Hạnh cho biết.
Cùng tham gia làm công việc này, bà Nguyễn Thị Hương (78 tuổi) cho biết, do tuổi đã cao, sức khỏe yếu, ở nhà cũng buồn nên ngồi cắt đầu cá thuê ăn công, kiếm thêm chút đỉnh phụ tiếp con, cháu trang trải cuộc sống.
“Công việc này khá nhẹ nhàng và rất thích hợp với những người có tuổi như tôi. Mỗi ngày, vừa làm vừa nghỉ cũng được gần 100.000 đồng”- bà Hương cho biết.
Có thể thấy, những năm gần đây, nhiều người tận dụng mùa nước nổi để khai thác thủy sản, nhất là những hộ không có đất sản xuất có thêm thu nhập, góp phần nâng cao đời sống kinh tế gia đình vùng nông thôn.