Mùa hoa sơn tra Nậm Nghiệp

Đến Sơn La, ghé thăm bản Nậm Nghiệp vào mùa hoa sơn tra nở, bản làng vùng cao được phủ một màu trắng tinh khôi đẹp đến mê hồn, ôm trọn núi rừng.

Tại bản Nậm Nghiệp (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La), cứ vào độ xuân sang, nơi đây như lạc vào miền cổ tích với bốn bề trắng muốt hoa sơn tra. Sơn tra (tên gọi khác là táo mèo) gắn với đồng bào Mông ở Nậm Nghiệp đã từ bao đời nay. Nhờ có sơn tra, mỗi dịp hoa nở hàng tháng 3, tháng 4 hàng năm hay mùa quả chín từ tháng 6 đến tháng 10, bản nhỏ lại tấp nập du khách đến trải nghiệm.
Mua hoa son tra Nam Nghiep
Hoa sơn tra chịu được sương gió, mưa dầm, biểu tượng cho sức sống bền bỉ, kiên cường của người Mông. Nguồn ảnh: Thiên nhiên và Môi trường 
Địa điểm ngắm hoa sơn tra
Hoa sơn tra ở bản Nậm Nghiệp đẹp hơn nhiều nơi khác bởi hoa nở đồng loạt và trên cây chỉ có màu trắng của hoa, chứ không có màu xanh của lá hay màu nâu của những cành lẫn vào. Dưới đây là một số địa điểm ngắm hoa lý tưởng thu hút khách du lịch:
Rừng sơn tra cổ thụ: Đây là địa điểm “check in” nổi tiếng nhất ở bản Nậm Nghiệp. Những cây sơn tra cổ thụ hàng trăm năm tuổi, với tán lá rộng, phủ đầy hoa trắng tinh khiết, tạo nên một khung cảnh vô cùng lãng mạn. Du khách có thể dạo bước dưới tán hoa, chụp ảnh lưu niệm hoặc tận hưởng hương thơm thoang thoảng của hoa sơn tra.
Đỉnh Tà Chì Nhù: Từ đỉnh Tà Chì Nhù, ngọn núi cao nhất tỉnh Sơn La, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh rừng hoa sơn tra bạt ngàn, trải dài tít tắp, bao phủ cả núi rừng.
Con đường dẫn vào bản: Con đường dẫn vào bản Nậm Nghiệp cũng là một địa điểm “check in” tuyệt đẹp. Hai bên đường là những hàng cây sơn tra nở rộ, tạo nên một khung cảnh thơ mộng, trữ tình.
Mua hoa son tra Nam Nghiep-Hinh-2
 Ngoài thăm thú ngắm cảnh, du khách có thể cắm trại giữa những tán hoa sơn tra nở rộ. Nguồn ảnh: Trần Trung Hiếu
Chơi gì ở bản Nậm Nghiệp?
Nậm Nghiệp không chỉ là địa điểm lý tưởng để du khách ngắm hoa và chụp ảnh với hoa sơn tra, nơi đây còn có nhiều hoạt động trải nghiệm khác chắc chắn làm những ai đặt chân đến đây đều không muốn về.
Săn mây: Trải nghiệm săn mây ở bản Nậm Nghiệp vô cùng thú vị và đáng nhớ. Buổi sáng sớm, khi mặt trời vừa ló dạng, những đám mây trắng bồng bềnh trôi lững lờ dưới chân núi, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp, huyền ảo. Để săn mây du khách nên dậy sớm, khoảng 4-5 giờ sáng, thời điểm này thời tiết mát mẻ, dễ chịu và mây cũng dày đặc nhất. Du khách có thể lựa chọn một địa điểm cao ráo, thoáng đãng để ngắm mây, chẳng hạn như đỉnh Tà Chì Nhù, hoặc trên các con đường dẫn vào bản.
Chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù: Tà Chì Nhù là ngọn núi cao nhất tỉnh Sơn La, chinh phục đỉnh núi này là một trải nghiệm vô cùng thú vị, mang đến cho du khách những cảm giác mạnh và mãn nhãn. Nếu có thời gian 2-3 ngày du khách nên kết hợp trekking trên con đường leo núi và ngắm mùa hoa đỗ quyên. Đường qua bản Nậm Nghiệp là con đường mới để tới Tà Chì Nhù, giúp du khách rút ngắn thời gian.
Bản làng người Mông: Nậm Nghiệp là một bản làng dân tộc Mông truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây. Du khách có thể tham quan, tìm hiểu về cuộc sống sinh hoạt, văn hóa, phong tục tập quán của người Mông.
“Check in” hoa sơn tra Nậm Nghiệp
Thời gian hoa sơn tra nở rộ thường kéo dài khoảng 1 tháng, du khách nên tìm hiểu và đến bản Nậm Nghiệp vào thời điểm thích hợp nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng hoa sơn tra một cách trọn vẹn.
Quãng đường di chuyển đến bản Nậm Nghiệp khá vất vả, xuất phát từ Hà Nội du khách có thể trải nghiệm chuyến "phượt" bằng xe máy hay đi xe khách, ô tô cá nhân đều được để đến xã Ngọc Chiến, Sơn La trước tiên. Một số nhà xe có thể tham khảo như nhà xe Kiên Huyền và Thảo Nguyên. Sau khi đến xã Ngọc Chiến du khách có thể xe máy hoặc thuê xe ôm chở đến bản Nậm Nghiệp, thời gian khoảng 1 giờ.
Du khách nên đi du lịch Nậm Nghiệp từ hai ngày trở lên để trải nghiệm hết các địa điểm nơi đây. Mùa xuân là thời điểm nhiệt độ xuống khá thấp vào ban đêm nhưng bù lại hoàng hôn rất đẹp với điều kiện không bị mây mù. Nhiệt độ lúc 17h00 khoảng 12 độ, đến đêm xuống 5-7 độ, thậm chí thấp hơn. Vì vậy, nên chuẩn bị đầy đủ đồ ấm, thuốc cá nhân. Đi bộ trong rừng cây thì nên mang theo ghế dã ngoại, hoặc lều để có thể cắm ở bất kỳ đâu.
Du lịch Tây Bắc đến với bản Nậm Nghiệp có hình thức lưu trú phổ biến tại đây là homestay cho khách nghỉ qua đêm, trải nghiệm đời sống bản địa các dân tộc… chỉ từ 100.000 đồng/đêm. Du khách nên đặt phòng trước khi đến, đặc biệt vào thời điểm cuối tuần. Một lựa chọn khác dành cho các tín đồ mê phượt là ngủ lều dưới rừng táo ở Nậm Nghiệp rất thú vị, lưu ý thời tiết lạnh, cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ giữ ấm.

Rừng Tây Bắc bừng sáng mùa hoa Sơn Tra

Những ngày này, trên khắp các triền đồi, bản làng vùng cao Tây Bắc ngập tràn hương sắc hoa Sơn Tra.

Rung Tay Bac bung sang mua hoa Son Tra

Sơn Tra (tên quen thuộc là Táo mèo) là cây đặc sản ở vùng cao Tây Bắc. Không chỉ mùa quả chín, hàng năm cứ khoảng tháng 2 - 3, những cây Táo mèo lại nở hoa khoe sắc rực rỡ trên các triền đồi, bìa rừng.

Rung Tay Bac bung sang mua hoa Son Tra-Hinh-2
Cây Sơn Tra thường mọc tự nhiên trong những cánh rừng ở vùng núi cao, nhiều nhất là ở tỉnh Sơn La, Yên Bái và Lào Cai. Quả Sơn Tra được bà con đồng bào Mông thu hoạch đem bán để ngâm rượu, ngâm mật ong, đường… 

Hoa sơn tra trắng đẹp như cổ tích

Tháng 3 dương lịch là mùa nở hoa đẹp nhất của cây sơn tra (đồng bào Mông vẫn gọi là táo mèo).

Cây sơn tra được trồng và mọc tự nhiên ở khắp mọi nơi, nhưng nhiều và nở hoa đẹp nhất ở bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La.
Khung cảnh đẹp kỳ diệu
Nếu xuất phát từ các tỉnh dưới xuôi sẽ có nhiều con đường lên bản Nậm Nghiệp. Từ Hà Nội, du khách có thể theo Cao tốc Láng-Hòa Lạc rồi đi thẳng Quốc lộ 32 qua Thị xã Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải (Yên Bái). Đến địa phận xã Púng Luông, rẽ vào cung đường đi xã Ngọc Chiến (Sơn La).
Sau gần 300km, chúng tôi đến được với xã vùng cao Ngọc Chiến, Mường La. Đến Ngọc Chiến, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng cùng vẻ đẹp các bản nhà sàn của người Thái nhỏ xinh, trải dài dưới chân núi, bên nương suối…
Chúng tôi nghỉ một đêm trong khu homestay đậm chất Thái ở Trung tâm xã Ngọc Chiến. Sáng hôm sau, theo sự chỉ dẫn của người dân bản địa, mọi người bắt đầu đi tới cung đường đất để lên bản rẻo cao Nậm Nghiệp. Sau quãng đường 14km đường đất mất khá nhiều thời gian, chúng tôi mới đặt chân được tới bản Nậm Nghiệp ở độ cao gần 2.000m so mực nước biển.
Ở xã Ngọc Chiến phần đông là người Thái, cùng với người Kinh, La Ha. Còn riêng bản Nậm Nghiệp có 147 hộ với khoảng 600 nhân khẩu là người Mông. Với Nậm Nghiệp không chỉ là sự hiện diện mà đây có thể xem như thủ phủ của loài cây sơn tra ở Ngọc Chiến nói riêng và cả vùng nói chung.
Hoa son tra trang dep nhu co tichKhi mặt trời mới nhô, chúng tôi tìm đến mỏm núi cao ở bản Nậm Nghiệp để đưa tầm mắt về bốn phía. Trước mắt chúng tôi đâu đâu cũng là cây sơn tra đang bung nở với một màu trắng như tuyết bao trùm cảnh sắc.
Cả một vạt núi bao la chạy đến tận chân trời chỉ toàn cây sơn tra đang bung nở khoe sắc với đất trời. Những cung đường đất đỏ men theo sườn núi với 2 bên chi chít những cây sơn tra cổ thụ nở hoa như đưa du khách lạc vào miền cổ tích. Mùi thơm nhè nhẹ nhưng không kém phần quyến rũ, ấn tượng của loài hoa sơn tra càng làm cho du khách bồi hồi, xao xuyến.
Trên những mỏm núi cao chót vót ngỡ như chạm đến mây trời, chúng tôi được ngắm vài nếp nhà gỗ đơn sơ của người Mông ẩn hiện trong rừng hoa sơn tra trắng xóa. Những đóa hoa sơn tra đung đưa trong gió xuân, tô điểm thêm cho núi rừng, bản làng một vẻ đẹp huyền ảo.
Bông sơn tra với với những cánh hoa trắng như bông, như tuyết được ví với vẻ đẹp thuần khiết, trong trẻo của những thiếu nữ Mông đang độ tuổi cập kê, trăng tròn. Chẳng biết từ bao giờ cây sơn tra đã mọc tự nhiên trong các cánh rừng ở Nậm Nghiệp. Chỉ biết khoảng 40-50 năm qua, các thế hệ người Mông đã nhân giống để trồng thêm nhiều cây sơn tra trong bản, bên ngôi nhà của mình.
Hoa son tra trang dep nhu co tich-Hinh-2Trên những con đường đất đỏ dọc ngang bản Nậm Nghiệp, thỉnh thoảng mọi người bắt gặp các cô gái Mông vận bộ trang phục thổ cẩm truyền thống lên nương, đi chơi… giữa mùa hoa sơn tra trắng.
Nét đẹp cuộc sống thường nhật hòa cùng sắc hoa, mây trời đã tạo ra một bức tranh đẹp kỳ diệu. Trong cuộc trò chuyện với anh Lường Xiên, thành viên Hợp tác xã Du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến, chúng tôi được biết riêng bản Nậm Nghiệp có 1.600ha cây sơn tra. Hiện nay người dân bản địa cũng đang được khuyến khích bảo vệ, và trồng thêm cây sơn tra tạo cảnh quan và làm kinh tế.
Làm du lịch từ mùa hoa
Với đồng bào Mông ở các vùng núi heo hút Tây Bắc, sự xuất hiện của cây sơn tra (táo mèo) như một cứu cánh giúp bà con xóa đi cái nghèo đói. Vào tháng 9-10 dương lịch, bà con người Mông ở vùng Tây Bắc nói chung, bản Nậm Nghiệp nói riêng cùng nhau bắt tay vào thu hoạch quả sơn tra. Quả táo mèo được ngâm với rượu để thành thức uống “rượu táo mèo” nức tiếng.
Ngoài ra táo mèo còn được ngâm với đường, mật ong rừng để uống như một vị thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, từ xa xưa người Mông đã biết sấy khô quả táo mèo rồi pha nước làm thức uống như một loại trà. Nước trà táo mèo có tác dụng rất tốt trong việc hạ huyết áp, có tác dụng kiện vị, tiêu thực chữa các bệnh đường ruột. Chính vì có nhiều tác dụng tốt, nên táo mèo được bà con Mông thu hái và xuất bán đi khắp nơi. Những năm được giá, nhà ít cho thu nhập vài chục triệu, còn nhà nhiều có khi được cả trăm triệu đồng tiền bán quả táo mèo.
Hoa son tra trang dep nhu co tich-Hinh-3Riêng bản Nậm Nghiệp có đến 1.600ha sơn tra, với hàng ngàn gốc cây lâu năm tạo cảnh quan đẹp mắt khi mùa hoa nở, do đó chính quyền địa phương đã hướng dẫn bà con phát triển thêm mảng dịch vụ du lịch để tăng thu nhập. Mấy năm nay, anh Lường Xiên đã tích cực hướng dẫn, vận động bà con Mông làm du lịch từ mùa hoa sơn tra. Theo anh Xiên, du khách dưới xuôi ngày càng đến với Nậm Nghiệp đông hơn mỗi dịp tháng 3 dương lịch, những ngày mùa hoa nở rực. Có năm riêng bản Nậm Nghiệp đã đón 10.000 lượt du khách trong khoảng 1 tháng mùa hoa.
Để phục vụ du khách, anh Kháng A Lệnh, người Mông đầu tiên ở bản Nậm Nghiệp đã mở homestay. Khu homestay của A Lệnh nằm trên một quả đồi có tầm view ngắm hoa sơn tra đẹp vô giá.
Homestay gồm những căn nhà gỗ nhỏ nguyên bản theo phong cách người Mông để phục vụ du khách ăn, ngủ khi tới đây ngắm hoa. Buổi sáng sớm, ngồi trên chiếc ghế gỗ ở khu homestay A Lệnh uống ly trà hay cà phê, thảnh thơi ngắm cả một miền hoa trắng trước mắt sẽ cho ấn tượng khó quên. Công suất của khu homestay A Lệnh có thể phục vụ tối đa 50 khách/đêm và sẽ tiếp tục được mở rộng để phục vụ nhiều người hơn.
Anh Lương Xiên cho biết, mới đây nhất một số hộ Mông khác như nhà các anh: A Vạng, A Thính, A Chúng, A Sử… ở Nậm Nghiệp đã quyết định cải tạo, nâng cấp ngôi nhà của mình để biến thành homestay phục vụ du khách.
Hoa son tra trang dep nhu co tich-Hinh-4Đặc biệt, trong năm 2023 địa phương sẽ tổ chức ngày hội hoa sơn tra tại Ngọc Chiến vào ngày 18 và 19-3. Anh Lường Xiên cho biết các hoạt động chính lễ hội hoa sơn tra sẽ diễn ra ở Trung tâm xã Ngọc Chiến. Nhưng điểm nhấn sẽ là các tour vào Nậm Nghiệp ngắm hoa sơn tra cũng như tổ chức các trò chơi dân gian đậm bản sắc Mông tại đây. Theo dự tính lễ hội năm nay sẽ thu hút rất đông du khách gần xa tới với Nậm Nghiệp và sẽ có thể đây sẽ trở thành ngày hội thường niên để kích cầu, quảng bá vẻ đẹp loài hoa sơn tra, cũng như du lịch địa phương.

Tin mới