Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán đến nay.
Vụ việc khởi phát từ thông tin Yeah1 đưa ra cho hay YouTube xác định SpringMe - công ty có trụ sở tại Thái Lan mà Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93% đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube.
Điều này dẫn tới việc YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của mạng đa kênh này. Đồng thời, 2 mạng đa kênh khác thuộc Yeah1 cũng chịu liên đới với chính sách tương tự là Yeah1 Network và ScaleLab.
Ngày 1/4, trong bản tin gửi đến cổ đông, Yeah1 chính thức xác nhận việc thương lượng không đạt được kết quả. Vì vậy, việc chấm dứt thỏa thuận lưu trữ thông tin với YouTube sẽ có hiệu lực từ ngày 31/3.
YouTube chấm dứt hợp tác do sai phạm nhiều lần
Trả lời Zing.vn, YouTube cho biết: "Chúng tôi quyết định thực thi các quyền trong hợp đồng và chấm dứt quan hệ hợp tác với một số mạng lưới đa kênh cùng với các công ty con của họ. Những công ty này bị phát hiện lặp lại các hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quy định của chúng tôi. Chúng tôi cần đảm bảo sự an toàn cho người xem cũng như những nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng YouTube".
Theo YouTube, phán quyết lần này đến từ những sai lầm nghiêm trọng, lặp đi lặp lại của Yeah1. |
Sau khi thông tin trên được công bố, cộng đồng những người làm YouTube tại Việt Nam không lấy làm bất ngờ. Họ cho rằng đây là hậu quả của một loại dịch vụ "ngoài luồng". Đó là dịch vụ "bật kiếm tiền" cho các kênh YouTube mới thành lập, muốn đi lên nhanh bằng nội dung kém chất lượng hoặc giật gân.
Nói với Zing.vn, Quốc Bằng, người làm kênh YouTube lâu năm tại TP.HCM, một kênh YouTube đủ 1.000 người đăng ký, 4.000 giờ xem video và nội dung phù hợp sẽ được bật kiếm tiền từ quảng cáo Google Adsense.
Tuy vậy, với những người làm nội dung YouTube "bẩn" (nội dung nhảm, độc hại), không đủ điều kiện thường sẽ không được xét duyệt bật kiếm tiền từ YouTube. Chính vì vậy, "dịch vụ bật kiếm tiền" ra đời.
"Các kênh không đủ điều kiện nội dung sẽ được cho vào network. Điều này giúp kênh có uy tín với YouTube và dễ dàng được YouTube xét duyệt kiếm tiền hơn", Bằng nói.
Đây không phải lần đầu YouTube mạnh tay với Yeah1. Năm 2017, Yeah1 Network từng bị cấm thu nhận kênh và bị Bộ TT&TT phạt 20 triệu đồng vì chứa chấp nội dung có hại đến trẻ em, không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật.
"Thời điểm đó tôi nhiều lần báo cáo với anh HP. Thanh Duy, một người tự nhận là quản lý của Yeah1, điều hành SpringMe tại Việt Nam về nội dung video các nhân vật Spiderman, Elsa... nhưng anh này ngó lơ. Đến khi bị phạt thì số tiền 20 triệu chẳng thấm với tiền họ kiếm được", Anh T., người có kênh từng hợp tác với Yeah1 Network từ những ngày đầu thành lập cho biết.
Sau phán quyết YouTube, Yeah1 network vẫn như chưa xảy ra chuyện gì
Tuy việc ngừng cấp quyền MCN cho Yeah1 có hiệu lực từ ngày 31/3 nhưng đến nay, các network như SpringMe, Yeah1 Network, ScaleLabs vẫn đang hoạt động bình thường.
"Mình có kênh bên trong network, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Cuối tháng 3 Yeah1 vẫn thanh toán tiền kiếm được từ YouTube. Mọi chuyện như không có gì xảy ra", một chủ kênh YouTube chuyên về ẩm thực cho biết.
Ngày 1/4, Kedoo - trang thống kê số liệu YouTube ghi nhận việc Yeah1 mất hơn 1.000 kênh. Điều này dẫn tới việc Yeah1 từ một network xếp hạng 8 các MCN lớn nhất thế giới xuống hạng 46 với hơn 400 kênh.
Cùng thời điểm đó, network Freedom thu nhận gần hết các kênh “trốn chạy” khỏi Yeah1. Nhờ vậy, Freedom tăng 6 hạng lên vị trí top 10 những MCN lớn nhất thế giới.
Từng xếp hạng 8, Yeah1 lao xuống vị trí 46 những network lớn trên thế giới. |
Tháng 5/2017, Yeah1 từng ký hợp tác chiến lược với Freedom Network. Có thể, nhờ hợp tác chiến lược này mà Freedom là đơn vị có lợi nhất sau phán quyết của YouTube. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết Freedom có liên quan mật thiết với Yeah1.
Freedom là network được thành lập từ năm 2013 có trụ sở tại Philipines. Sau khi thu nhận hơn 1.000 kênh từ Yeah1, Freedom đang có 2.900 kênh với 5,8 tỷ lượt xem mỗi tháng.
Trên các nhóm chia sẻ về kiếm tiền trên YouTube gần đây cũng xuất hiện một số bài viết chào mời chủ kênh gia nhập network Freedom. Những lời mời chào này khá giống với những lời mời chào của những người được cho là làm việc tại Yeah1 trước đây.
Đáng chú ý, có cả những người mời vào network Freedom để bật kiếm tiền và sau đó ăn chia với network. Trước đây, thành viên tự xưng là quản lý của Springme (network thuộc Yeah1) cũng từng có những bài rao chào mời tương tự.
Bán tháo network 20 triệu USD vừa mua đầu 2019
Trước thời điểm cuộc "di cư" kênh diễn ra, Yeah1 đã phải bán đi network trị giá 20 triệu USD vừa mới mua hơn 1 tháng cho chủ cũ.
Yeah1 cho biết đã "cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định bán lại 100% cổ phần tại Công ty ScaleLab LCC cho các chủ sở hữu trước đây". Thương vụ bán lại này có giá 12 triệu USD, có hiệu lực từ 11/3.
Hồi đầu tháng 1/2019, Yeah1 công bố thương vụ mua lại ScaleLab LLC, với giá tối đa 20 triệu USD, bao gồm 12 triệu USD trả ngay khi hoàn tất và 8 triệu USD còn lại phụ thuộc vào kết quả kinh doanh.
Tuy vậy, việc bán tháo Scalelabs không giúp kiềm hãm được đà giảm giá của mã cổ phiếu YEG.
Theo Yeah1, ScaleLabs nằm trong danh sách MCN có trách nhiệm liên đới. Tuy vậy, việc bán ScaleLabs để tránh ảnh hưởng cũng khiến nhiều người cho rằng "lỗi của SpringMe, sao không bán SpringMe để tránh liên can?".
Cổ phiếu nằm sàn 13 ngày liên tiếp
Tuần này, cổ phiếu YEG của Yeah1 đã giảm về mức 102.000 đồng/cổ phiếu, giảm 143.000 đồng so với lúc chưa xảy ra khủng hoảng YouTube. Tính ra, cổ phiếu này đã giảm gần 60% thị giá sau gần 1 tháng.
Ngày 18/3 đánh dấu lần thứ 11 cổ phiếu Yeah1 (YEG) giảm giá kịch sàn. |
Vốn hóa tập đoàn này hiện cũng chỉ còn khoảng 3.209 tỷ đồng. Từ một cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường, hiện YEG đã rơi xuống nhóm cổ phiếu có thị giá tầm trung, dao động trong khoảng 100.000-130.000 đồng/cổ phiếu.
“Chỉ một sự cố liên quan YouTube không thể khiến cổ phiếu doanh nghiệp giảm sâu như vậy. Chắc chắn bên trong vẫn còn những câu chuyện mà nhà đầu tư không thể biết. Cũng không loại trừ khả năng, sau sự cố lần này, nhà đầu tư mới giật mình đặt câu hỏi suốt thời gian qua mình đã đổ tiền vào đâu và đã hiểu rõ công ty mình đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực gì hay chưa”, một chuyên gia phân tích nói với Zing.vn.
Ông Hà Uyên Việt, chuyên gia phân tích của một quỹ đầu tư tại Hà Nội cho rằng sự cố với YouTube làm giảm giá trị của YEG "mở ra sự thiếu ổn định trong hoạt động của tập đoàn này”.
Về lý thuyết, mối quan hệ giữa network, YouTube và người sáng tạo được xem là cộng sinh.
Với vai trò là chủ nền tảng, YouTube có nhiều sự quyết định hơn. Mạng xã hội video có quyền ngừng hợp tác với bất kỳ network nào vi phạm chính sách của họ. Đây là điều khiến những công ty như Yeah1 có một mô hình kinh doanh bấp bênh, không bền vững.
Ngược lại, nguồn lực của Yeah1 bỏ ra chỉ có thể hoạt động trên nền tảng YouTube. Họ không có lựa chọn thay thế.
Trách nhiệm của YouTube ở đâu?
Zing.vn đã đặt câu hỏi đối với phía YouTube về trách nhiệm của nền tảng video này đối với các vấn đề sau: Thứ nhất, nguyên do chấm dứt thỏa thuận được công bố là do hoạt động tuyển lựa kênh không hợp lý. Trách nhiệm của YouTube khi để xuất hiện những “kênh không hợp lý” trên nền tảng của mình thế nào?
Thứ hai, theo tuyên bố, Yeah1 vi phạm lặp đi lặp lại. Trước khi chính thức tuyên bố chấm dứt thỏa thuận, YouTube có đưa ra cảnh báo với Yeah1 mấy lần?
YouTube vẫn chưa phản hồi email của Zing.vn.
“Nói chung, YouTube chịu trách nhiệm về nội dung độc hại và không phù hợp được lưu trữ trên nền tảng của mình. Ít nhất YouTube cũng phải chịu trách nhiệm về việc thuật toán tự động phát điều hướng người dùng đến những video có nội dung không lành mạnh. Việc vận hành các thuật toán là trách nhiệm của chính YouTube” - Michael Sirivianos, chuyên gia về phát hiện và ngăn chặn thông tin sai lệch trên web, nói với Zing.vn.