Theo Dailymail, các nhà khoa học vừa đưa ra cảnh báo, tới năm 2030 thế giới sẽ chìm ngập trong rác thải nhựa, với khối lượng lên tới 111 triệu tấn và có nguy cơ “không biết đi đâu về đâu”.
Đây là dự báo dựa trên kết quả của việc Trung Quốc đã ngưng nhập rác nhựa để tái chế từ cuối 2017.
Trước đó, trong một thời gian dài, Trung Quốc là nhà nhập khẩu rác lớn nhất thế giới, là nước tái chế rác thải nhựa của toàn cầu. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi sau khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ban hành lệnh cấm nhập đối với hầu hết các loại rác thải nhựa kể từ cuối 2017.
Chỉ trong vòng vài tháng, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, rác thải nhựa trên toàn cầu đang chất đống và ngày càng nhiều lên. Ước tính cho thấy, tới năm 2030, lượng rác thải nhựa tồn dư có thể lên tới 111 triệu tấn và không được đưa vào các nhà máy của Trung Quốc xử lý như trước.
Riêng nước Mỹ, số lượng rác xử lý trong giai đoạn dự báo lên tới 37 triệu tấn, và có thể sẽ phải chôn xuống đất, dìm xuống dưới biển.
Cho đến nay, các quốc gia, trong đó có Mỹ, châu Âu, Nhật vẫn chưa tìm được nơi để xuất khẩu các loại rác thải nhựa. Một số nước đã tìm cách xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á, như một cách để thay thế cho thị trường Trung Quốc.
Nguyên do khiến Trung Quốc ngưng nhập khẩu rác thải nhựa là bởi các nhà máy tái chế phế liệu tại Trung Quốc được hình thành trong nhiều thập kỷ qua đã hoạt động không đúng cách và gây ô nhiễm nghiêm trọng tại quốc gia này.
Lệnh cấm nhập khẩu rác nhựa của Trung Quốc là một phần của chính sách “Thanh gươm quốc gia” nhằm cấm nhập khẩu 24 loại rác thải rắn từ chai soda, các loại giấy vụn cho đến sắt thép phế liệu.
Trong thập kỷ qua, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển vượt bậc và vươn lên đứng thứ 2 thế giới. Trung Quốc đang tìm giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, nước và đất.
Rác thải được nhập về Trung Quốc để tái chế |
Điều đáng nói là sau lệnh cấm của Trung Quốc, các nhà xuất khẩu rác thải nhựa vẫn chưa tìm ra địa chỉ mới thay thế. Một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Malaysia cũng có nhiều nhà máy tái chế nhựa nhưng quy mô không đủ lớn để tiếp nhận những khối rác khổng lồ đến từ các nước phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu.
Theo Washington Post, trong vòng 25 năm qua, Trung Quốc đã nhập 106 triệu tấn rác thải (khoảng 45% lượng rác thải toàn cầu) từ các nền kinh tế phương Tây.
Tính từ 1950, tổng cộng có khoảng 9 tỷ tấn nhựa được sản xuất nhưng chỉ có khoảng 2 tỷ tấn được tái chế, số còn lại phần lớn nằm trong các bãi chôn lấp hoặc vất vưởng ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả các đại dương.
Bất chấp nạn rác nhựa đang ảnh hưởng lớn tới môi trường, nhựa vẫn là một loại nguyên liệu phổ biến, được đưa vào sản xuất các sản phẩm được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, từ bao bì đựng thực phẩm, nước đóng chai, hàng hóa đồ dùng trong gia đình...
Một lượng lớn túi bóng và đồ vật bằng nhựa được thải ra hàng ngày và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ mức 1% cách đây hơn nửa thế kỷ, tỷ trọng nhựa trong các bãi rác hiện đã lên trên mức 10%.
Với tình trạng như hiện nay, theo dự báo của chuyên gia tại Trường ĐH Georgia, chỉ trong vòng khoảng một thập kỷ nữa, thế giới sẽ chìm ngập trong rác thải nhựa vốn đã hủy hoại nặng nề môi trường thế giới.
Trong một thời gian dài, Trung Quốc được coi là bãi rác của thế giới, nhập hơn 50% rác thải nhựa toàn cầu. Nhưng tình trạng ô nhiễm đã khiến Trung Quốc buộc phải có những giải pháp mạnh tay. Chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa hàng chục ngàn nhà máy gây ô nhiễm và hiện đang hướng mạnh sang lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Quyết định cấm hàng chục loại phế liệu của Trung Quốc được các nhà môi trường học ủng hộ, coi đây là chiến thắng cho nỗ lực xanh hóa toàn cầu. Nó sẽ giúp cho Trung Quốc sạch hơn và khiến các nước phát triển phải quản lý phế liệu tốt hơn. Tuy nhiên, cú thay đổi đột ngột của Trung Quốc cũng có thể biến một số nước đang phát triển, nhất là ở khu vực Đông Nam Á, trở thành bãi rác phế thải của thế giới nếu các nhà chức trách không quản lý tốt.
Ở một góc độ khác, nhiều chuyên gia lo ngại, khi giảm tái chế rác thải phế liệu, Trung Quốc sẽ phải dùng nhiều nguyên liệu thô hơn, tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.
Số liệu cho thấy, gần đây tốc độ tăng trưởng nhập khẩu nhựa nguyên chất của Trung Quốc tăng lên, trong khi rác nhựa tái chế giảm đi. Điều đó làm cho chi phí nhiều sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc tăng lên.
Giá nguyên liệu trên thế giới do vậy cũng đang giảm mạnh và có thể là “món hời” đối với một số nước Đông Nam Á. Nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc các nước này có thể sẽ trở thành “bãi rác” mới của thế giới, kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
Thời gian qua, phế liệu nhập về Việt Nam qua hai đường là chính ngạch và tiểu ngạch. Trong đó, nhựa và điện tử cũ chủ yếu nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, không có số liệu thống kê của hải quan.