Nông dân bán trà, bán đông trùng hạ thảo thu tiền tỷ mỗi năm
Ngày 13/6, Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) thăm các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao tại xã Bàu Chinh và xã Xà Bang (huyện Châu Đức).
Cơ sở sản xuất trà túi lọc, đông trùng hạ thảo của anh nông dân Trần Tài, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Đinh Hùng |
Đoàn công tác đã tham quan mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo của anh Trần Tài, ở thôn Tân Bình, xã Bàu Chinh; thăm các tổ sản xuất sầu riêng đã được cấp mã vùng tại địa phương.
Tại cơ sở nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo của anh Trần Tài, nông dân này đã “khoe” 2 sản phẩm, trà túi lọc đông trùng hạ thảo và nấm đông trùng hạ thảo khô. Các sản phẩm này đều đã đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao năm 2022 và rất có triển vọng trở thành sản phẩm OCOP hạng 5 sao cấp quốc gia. Sản phẩm mật ong đông trùng hạ thảo là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh cũng được anh Tài giới thiệu trước đoàn công tác.
Anh Tài cho biết, hiện nay mỗi năm cơ sở của anh Tài sản xuất và cung cấp cho thị trường hơn 1.000 hộp trà túi lọc đông trùng hạ thảo; 500kg nấm đông trùng hạ thảo khô. Và trong 2 năm trở lại đây, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất, mỗi năm anh Tài thu lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng.
Sầu riêng ở huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có nhiều khu vực trồng sầu riêng đã được cấp mã vùng trồng. Ảnh: Đinh Hùng. |
Sau khi thăm cơ sở của anh Tài, đoàn đã tới thăm các tổ sản xuất sầu riêng đã được cấp mã vùng thuộc ấp Liên Đức, xã Xà Bang (tổng diện tích 87ha/38 hộ nông dân trồng). Nông dân trồng sầu riêng cho biết, giống sầu riêng sản xuất chủ yếu ở địa phương là sầu riêng Ri6, sầu riêng Thái, năng suất trung bình 6-8 tấn/ha. Sầu riêng được các doanh nghiệp thu mua tận vườn nên nông dân hiện nay an tâm về đầu ra.
Nhiều nông dân chia sẻ, để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, ghi nhật ký trong quá trình canh tác. Hiện, trên địa bàn tỉnh Bà Rìa - Vũng Tàu đã có 5 vùng trồng sầu riêng được cấp mã, với diện tích 124,2ha (xã Xà Bang và Láng Lớn của huyện Châu Đức). Đây là cơ hội mới cho nông sản của huyện có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch đi một số nước trên thế giới.
Nông dân huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phấn khởi khoe sầu riêng sạch với cán bộ Hội Nông dân. Ảnh: Đinh Hùng |
Trước thành công của nông dân địa phương, Hội nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Châu Đức đã tìm hiểu quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng theo hướng hữu cơ; cách nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo; thăm hỏi, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn của nông dân trong quá trình thực hiện mô hình; việc quảng bá và tạo đầu ra cho sản phẩm…
Ông Mai Minh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói, Hội mong muốn các hội viên nông dân tích cực liên kết, chia sẻ kinh nghiệm cho các nông dân khác cùng áp dụng để giảm giá thành sản xuất, nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương. Hội cũng kỳ vọng nông dân địa phương sẽ là những nông dân chuyên nghiệp, tự nâng cao chất lượng, giá trị nông sản địa phương.