Những bất thường trong việc lãnh đạo địa phương tách thửa, ký tá cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình bà Phạm Thị Hường (trú phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã được UBND tỉnh Bình Dương nêu rõ trong kết luận kiểm tra số 250/KL-UBND từ năm 2014.
Theo kết luận kiểm tra số 250/KL-UBND ngày 13/11/2014, cả 9 khu đất do bà Hường làm chủ đầu tư có tổng diện tích hơn 101.000 m2, gồm phường Bình Chuẩn (2 khu, diện tích hơn 25.400 m2), phường An Phú (6 khu, 71.710 m2) và phường Lái Thiêu (1 khu, 4.240 m2) đều có “vấn đề” về mặt pháp lý.
Cụ thể, cả 9 khu đất đều thực hiện chia tách theo hình thức phân chia tài sản chung của vợ chồng, thành nhiều khu nhỏ có diện tích dưới 2.000 m2. Sau đó, vợ chồng bà Hường lại làm thủ tục cho tặng vợ chồng và các con, thành những diện tích nhỏ từ hơn 42 m2 đến hơn 136 m2/nền.
Một dự án của gia đình bà Hường bị Bộ công an điều tra. Ảnh: VOV |
Đáng chú ý, theo kết luận, từ ngày 29/4/2010 đến ngày 20/5/2011, Phó Chủ tịch UBND thị xã Thuận An Đặng Văn Ba đã trực tiếp ký tách thửa 9 khu đất, cấp sổ đỏ cho 4 người trong gia đình bà Hường gồm bà Phạm Thị Hường, ông Phạm Hữu Đức (chồng bà Hường), Phạm Trọng Khiêm và Phạm Đức Huy (đều là con bà Hường). Tổng số sổ đỏ mà ông Ba đã ký, cấp cho gia đình bà Hường là 1.059 sổ.
Thậm chí, có ngày, ông Đặng Văn Ba ký từ 55 đến 107 sổ đỏ. Cụ thể, ngày 17/1/2011 (107 sổ), ngày 31/12/2010 (69 sổ), ngày 6/5/2011 (59 sổ), ngày 25/5/2011 (60 sổ), ngày 26/5/2011 (55 sổ), ngày 31/3/2011 (80 sổ), ngày 9/4/2011 (56 sổ), ngày 16/4/2011 (80 sổ)…Điều này lý giải, dù thời gian ký cấp sổ đỏ phải hơn 1 năm nhưng ông Đặng Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND thị xã Thuận An chỉ ký vỏn vẹn trong khoảng 30 ngày.
Theo quyết định số 49/2009/QĐ-UBND do UBND tỉnh Bình Dương ban hành ngày 24/7/2009 quy định rất rõ: Thửa đất có diện tích từ 2.000 m2 trở xuống phải lập thủ tục tách thửa, chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, phải đầu tư hạ tầng, phù hợp quy hoạch, phải được UBND huyện, thị xã thẩm định, phê duyệt... Sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mới được phép tách thửa...
Tuy nhiên, với cả ngàn thửa đất trên, trong khi chưa lập thủ tục tách thửa, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa đầu tư hạ tầng...nhưng Phòng tài nguyên – môi trường thị xã Thuận An vẫn bất chấp, tham mưu cho UBND thị xã Thuận An tách thửa 1.059 thửa cho "gia đình" bà Hường.
Đáng nói, tại 2 khu đất ở phường An Phú, là đất nông nghiệp, theo quy định của Quyết định 49, phải tách từ 300 – 400 m2/ 1 thửa, thì chính quyền đã tạo điều kiện tách thửa cho bà Hường chỉ từ 42,3 – 136,2m2/1 thửa...
Với việc tiếp tay xác nhận sai từ cán bộ địa chính phường, UBND phường và các phòng, ban chuyên môn và cả một Phó Chủ tịch UBND thị xã (nay là TP Thuận An), 9 khu đất nông nghiệp đã được “hô biến” thành 1.059 cuốn sổ đỏ với diện tích đất nhỏ cấp cho gia đình bà Hường, rồi sau đó đã bán cho nhiều người dân. Việc không làm thủ tục tách thửa và không chuyển mục đích sử dụng đất của bà Hường là trái Quyết định số 49. Qua đó, bà Hường bỏ túi, hưởng lợi trên 41,3 tỷ đồng (thay vì phải nộp số tiền này để chuyển mục đích sử dụng đất). Mặt khác, do không có phương án tách thửa, bà Hường không phải bỏ ra số tiền lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng, theo quy chuẩn quốc gia và quy chuẩn xây dựng chung.
Tháng 11/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương lúc đó là ông Lê Thanh Cung, đã nêu đích danh các dấu hiệu vi phạm luật pháp trong vụ phân lô bán nền, liên quan đến gia đình bà Phạm Thị Hường.
Trong đó gồm ông Đỗ Thành Tâm (Chủ tịch UBND thị xã Thuận An), mặc dù phân công, phân nhiệm nhưng để cho cấp dưới xảy ra sai phạm nên phải chịu trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu đơn vị đã thiếu kiểm tra, giám sát.
Ông Đặng Văn Ba (Phó Chủ tịch UBND thị xã Thuận An) là người chịu trách nhiệm chính, đã cố ý vi phạm các quy định của pháp luật về thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất. Khi sai phạm đã xảy ra, ông Ba vẫn “tiếp tục chỉ đạo cấp dưới làm sai trái, đã làm thất thu ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng...”.
Trần Đình Minh Phước (Trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường), Phan Thị Thu Yến (Giám đốc Văn phòng đăng ký QSDĐ), Võ Trung Phát (cán bộ thẩm tra hồ sơ), Tống Văn Năm, Trần Thị Bạch Yến (Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường An Phú)...
Đáng chú ý, dù có dấu hiệu vi phạm rõ ràng như trên nhưng UBND tỉnh Bình Dương chỉ đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo, khiến trách đối với các cán bộ trên. Sau đó, do vụ việc có tính nghiêm trọng, UBND tỉnh Bình Dương đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương làm rõ.
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương về việc kiểm tra phản ánh của báo chí, đơn thư về vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng tại tỉnh Bình Dương.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí và đơn thư, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9/2020.
Liên quan đến dấu hiệu sai phạm trong sử dụng đất tại Bình Dương, ngày 19/6 vừa qua, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương, đề nghị cung cấp tài liệu về các dự án bất động sản tại tỉnh Bình Dương.
Theo đó, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an đang tiến hành xác minh vụ việc có dấu hiệu sai phạm liên quan đến việc phân lô bán nền và việc thực hiện một số dự án bất động sản tại tỉnh Bình Dương.
Để phục vụ công tác xác minh, C03 đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến Kết luận kiểm tra số 250/KL-UBND ngày 13/11/2014 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phân lô bán nền trên địa bàn thị xã Thuận An (nay là TP Thuận An).
Đồng thời, chỉ đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế, UBND TP Thuận An, UBND TP Dĩ An cung cấp toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến việc thực hiện 17 dự án bất động sản của 4 Công ty tại tỉnh Bình Dương.
Được biết, 4 công ty đang bị Bộ Công an xác minh có dấu hiệu sai phạm liên quan đến việc phân lô bán nền và việc thực hiện các dự án gồm Công ty TNHH bất động sản Phú Hồng Thịnh, Công ty TNHH quản lý đầu tư phát triển đô thị Việt Nam, Công ty cổ phần Phú Gia Khiêm Land và Công ty TNHH thương mại - dịch vụ bất động sản Phú Phong.
Đáng chú ý, tất cả các công ty này đều liên quan đến gia đình bà Phạm Thị Hường (trú phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) – một nữ đại gia bất động sản ở Bình Dương.
Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi nhận được yêu cầu của Bộ Công an, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh cung cấp tài liệu cho Bộ Công an.
Nói về Kết luận số 250, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định đã chỉ đạo xử lý các cán bộ, công chức liên quan đến vụ việc này từ cuối năm 2014. Đồng thời, làm việc với chủ đầu tư để khắc phục một số vấn đề về hạ tầng cho hoàn chỉnh. Sau khi cấp sổ cho dân, mọi việc đã ổn định. Sau đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục làm rõ.
"Quá trình cơ quan CSĐT làm việc, những sai phạm có thể khắc phục được, không đến mức phải xử lý hình sự. Các cá nhân vi phạm về quy trình thủ tục chứ không có động cơ tham nhũng, không thất thoát. Xử lý hành chính của Thuận An được chấp thuận và cơ quan điều tra không có đề xuất gì thêm" - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho hay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nhiều sai phạm đất đai từ hơn 1.000 cuộc thanh tra
Nguồn: VTC 1