Chủ tọa bệnh đột xuất, không thể tuyên án tại phiên tòa 'kỳ lạ'
(Vietnamdaily) - Lần thứ hai liên tiếp, HĐXX không tuyên án được đối với hai bị cáo bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng.
Sáng 12/7, hai bị cáo trong vụ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Chi cục Quản lý thị trường (QLTT, nay là Cục QLTT) tỉnh Sóc Trăng đã tỏ ra bất ngờ khi thấy HĐXX không đến phòng xét xử để tuyên án như thông báo sau giờ nghị án ngày 9/7.
Chánh án TAND TP Sóc Trăng là thẩm phán Lâm Tấn Vinh sau đó bước ra thông báo chủ tọa là thẩm phán Nguyễn Quốc Định bệnh đột xuất nên không thể tuyên án và thời gian tuyên án chưa xác định được khi nào.
Chưa xác định ngày tuyên án
Theo thông báo dời ngày tuyên án vụ án hình sự do ông Vinh ký thì từ ngày 10/7, chủ tọa Nguyễn Quốc Định có gửi đơn báo bệnh đột xuất nên không thể tuyên án như dự kiến.
|
Ông Châu Hoài Phương tại tòa ngày 9/7. |
Tuy nhiên, ba ngày trước, ông Định cùng hai hội thẩm xuất hiện trong buổi sáng dự kiến tuyên án lần thứ nhất. Lần này, ông Định không tuyên án mà thông báo phiên tòa phải quay lại phần xét hỏi vì đại diện VKS đưa ra thông báo số 3559 do trung tướng Trần Đăng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an) ký ngày 10/8/2015.
Nội dung công văn có nội dung: "Đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang đã bút phê đồng ý đề xuất của Tổng cục An ninh về thực hiện thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT)".
Đáng chú ý là lần nghị án đầu tiên vào ngày 2/7, nhưng ngày 3/7, công văn 3559 mới được thiếu tá Trịnh Đức Nhỏ, Phó phòng Tham mưu Công an tỉnh Sóc Trăng "sao y bản chính" gửi cho TAND TP.Sóc Trăng, chứ không phải gửi cho Viện KSND TP.Sóc Trăng hay Viện KSND tỉnh Sóc Trăng.
Dựa vào công văn trên, VKS tiếp tục bảo lưu quan điểm thẩm quyền điều tra thuộc về Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng, khi viện dẫn thông báo 3559. Vì vậy, công tố viên bảo lưu việc truy tố hai bị cáo Phương và Thanh.
|
Luật sư Đức phản bác ý kiến của VKS hôm 9/7. Lúc đó, mọi người đều thấy sức khỏe chủ tọa bình thường. |
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ, bào chữa cho bị cáo Châu Hoài Phương) đã bác bỏ quan điểm của VKS. Ông Đức khẳng định thông báo 3559 là văn bản của Tổng cục An ninh chứ không phải của Bộ Công an.
Về hình thức, đây là chỉ là thông báo, không phải văn bản quy phạm pháp luật và hoàn toàn trái với điều 17 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra Hình sự. Luật sư còn đối chiếu điều 23, Thông tư 28/2014 ngày 7/7/2014 của Bộ Công an, trong trường hợp này thẩm quyền điều tra thuộc về Cơ quan Cảnh sát điều tra chứ không phải ANĐT.
"Như vậy, quá trình điều tra của Cơ quan ANĐT Công an Sóc Trăng thu thập chứng cứ trong vụ án này để làm cơ sở truy tố là trái luật. Thông báo 3559 không phải là chứng cứ mới", luật sư Đức nêu quan điểm.
Kiểm sát viên không đến tòa
Trong lúc bị cáo, luật sư và nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tòa để nghe tuyên án sau lần nghị án thứ 2 thì không thấy một bóng dáng nào của cơ quan công tố và cảnh sát như trong những ngày diễn ra xét xử trước đó.
Điều này có thể khẳng định rằng VKS và cơ quan công an đã nhận được thông tin từ sớm về việc chủ tọa Nguyễn Tấn Định bệnh.
|
Vậy mà chỉ một ngày sau, ông Định đã có đơn báo bệnh. |
Trưa cùng ngày, phóng viên nhiều lần gọi điện cho ông Định, chuông reo nhưng vị thẩm phán không nghe máy. Nhà riêng của ông Định trong khu dân cư Sáng Quang (TP Sóc Trăng) đóng cửa, hàng xóm nói mấy ngày nay không thấy vợ chồng gia chủ.
"Anh Định còn có nhà ở huyện Long Phú. Thường thì thấy buổi trưa anh ấy có về nhà này, còn 3 ngày nay không thấy anh Định", hàng xóm nói.
Còn ông Trần Hùng Dũng, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng nói: " Sự cố thôi, chúng tôi cố gắng kiểm tra, động viên".