RT đưa tin, Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã thêm 22 cá nhân, công dân Nga hoặc Ukraine, và 9 vào “danh sách đen” vào hôm thứ Sáu (26/1). Hầu hết các công ty bị áp đặt lệnh trừng phạt hoạt động trong lĩnh vực năng lượng như Gaz-Alyans và Kaliningradnefteproduct.
Bình luận về loạt các biện pháp hạn chế mới, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow sẽ không nhượng bộ trước áp lực và bảo lưu quyền trả đũa.
“Washington vẫn không thể thoát khỏi ảo tưởng rằng chúng ta có thể bị hăm doạ bởi sự ngăn cản về thị thực hoặc hạn chế thương mại, rằng chúng ta có thể bị ép phải từ bỏ lập trường trên trường quốc tế, từ bỏ bảo vệ lợi ích quốc gia chúng ta”, bộ này tuyên bố ngày thứ Sáu.
Toà nhà Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: Reuters. |
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, “chiến dịch trừng phạt vô nghĩa” do Washington đưa ra dưới “cái cớ giả dối” không gây ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Moscow, mà chỉ thêm tổn thất tài chính cho hoạt động kinh doanh của Mỹ.
Tuyên bố từ Moscow còn liên hệ các biện pháp trừng phạt của Mỹ với cuộc đảo chính năm 2014 ở Kiev, và cuộc nội chiến ở Ukraine. “Các nhà chiến lược ở Washington… chỉ chứng tỏ sự bất lực của họ trước cả thế giới”, trích tuyên bố.
Các lệnh trừng phạt mới của Washington được công bố chỉ vài giờ sau bài báo của Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman được đăng; trong đó, ông lập luận Mỹ “có thể và phải cải thiện quan hệ với Nga”.
“Không có gì bí mật rằng, mối quan hệ của chúng ta ở điểm thấp nhất trong nhiều năm. Người dân Mỹ nói rõ, họ mong đợi và yêu cầu cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Nga”, ông Huntsman nhận định trên tờ Moscow Times.
Tuy nhiên, theo Nga, các hành động từ Washington cho thấy, họ không ủng hộ mong muốn của Đại sứ Huntsman.
Theo RT, quan hệ Mỹ-Nga xấu đi nhanh chóng sau cuộc đảo chính ở Kiev năm 2014, gây ra phản kháng vũ trang ở miền đông Ukraine. Chính phủ Ukraine do phương Tây hậu thuẫn, cáo buộc Moscow ủng hộ và cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy.
Tình hình tồi tệ hơn khi Crimea sáp nhập vào Nga trong năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Từ đó, Mỹ và châu Âu bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt về ngoại giao và thương mại đối với Nga.
Khủng hoảng Mỹ-Nga càng leo thang khi Washington cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, và thông qua luật trừng phạt mới. Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.