Lâu nay, khi nói đến Dương Khuê, người ta biết ông là bạn của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến qua bài thơ Khóc Dương Khuê với câu mở "Bác Dương thôi đã thôi rồi,/ Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta".
Hoàng triều sư ký do dịch giả Nguyễn Đức Toàn dịch. |
Nếu Dương Khuê có nhiều thi phẩm để lại được người đời truyền tụng như Hà Nội tức cảnh, Hương Sơn phong cảnh... thì Dương Lâm (1851-1920), em của ông cũng là một danh sĩ có nhiều trước tác, và Hoàng triều sử ký là một trong số đó.
Hoàng triều sử ký là tác phẩm được Dương Lâm dịch ra quốc âm. Tác phẩm này được dịch giả Nguyễn Đức Toàn dịch và vừa ra mắt bạn đọc bởi NXB Tổng hợp TP.HCM.
Trong phần tìm hiểu về soạn giả và tác phẩm, dịch giả Nguyễn Đức Toàn cho biết Hoàng triều sử ký được "trình bày theo lối lịch đại, từ thứ tự các chúa, đến Gia Long thống nhất. Rồi từ Gia Long đến thời Thành Thái 19 (1907), bằng văn xuôi chữ Nôm. Chủ yếu tập trung vào các sự kiện chính, và tiểu truyện những nhân vật lịch sử có ảnh hưởng".
Đây có thể xem là bộ sử ngắn giản lược về triều Nguyễn khi tác phẩm thâu tóm nội dung của hơn 100 năm lịch sử vương triều Nguyễn và gần 400 năm lịch sử dòng họ Nguyễn kể từ đời Nguyễn Kim dựng cờ “Phù Lê diệt Mạc” trên đất Thanh Hóa (1533).
Tác phẩm được trình bày xen kẽ những phần nội dung theo tiến trình thời gian với phần bình thơ của Dương Lâm, Nguyễn Thượng Hiền, giúp cho Hoàng triều sử ký dẫu là chép sử, nhưng không khô khan, thô cứng.
Chẳng hạn khi chép về Vũ Tính (Võ Tánh), Ngô Tòng Chu (Châu) tự thiêu cứu quân Nguyễn, Dương Lâm đã có thơ bình:
Đã hay chết khó trên đời
Mà trong sự chết mấy người suy ra
Đem Tam đảo sánh nước nhà
Cái hồn ái quốc hơn ma cát điền
Lửa nào cháy được gan vàng
Thuốc nào nát được tâm trường trung lương
Lửa càng mát, thuốc càng ngon
Chết là chết mấy [với] nước non giống loài
He lo loai thuoc dau doc Nguyen Kim qua 'Hoang trieu su ky' anh 2
Ban thờ Tả quân Lê Văn Duyệt trong Lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Đình Ba.
Xem qua nội dung Hoàng triều sử ký, độc giả sẽ hiểu thêm về lịch sử dân tộc thời Lê Trịnh với những cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn, việc mở mang bờ cõi đất nước, lập triều đại nhà Nguyễn và dựng xây quốc gia qua các triều vua với những dấu ấn riêng. Đồng thời là cuộc chiến đấu chống Tây xâm hào hùng, bi tráng với những cảm khái về vận nước, phận dân.
Cũng qua tác phẩm này, nhiều tiểu tiết về nhân vật, sự kiện được nhắc tới mà khi đọc sử dường như ta không chú ý. Có thể dẫn một vài chi tiết trong số đó.
Trường hợp An Thành hầu Nguyễn Kim khi đang trên đường khôi phục nhà Lê, sự nghiệp phải dở dang vì bị đầu độc bởi món ăn. Số là ông bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Vân (Dương Chấp Nhất) trá hàng. Tên này đã để thuốc độc vào quả bầu khiến ông ăn phải mà mất (Đại Nam thực lục ghi là dâng quả dưa hấu).
Nói đến Tả quân Lê Văn Duyệt và Tiền quân Nguyễn Văn Thành, đều là những danh tướng, khai quốc công thần nhà Nguyễn, nhưng hai ông lại mâu thuẫn với nhau chỉ vì Nguyễn Văn Thành... nghiện rượu. Sách ghi:
"Lúc đánh ở trận Thị Dã, ông Thành với ông Duyệt đều cưỡi voi cầm cờ tướng mà chỉ huy. Ông Thành tính hay uống rượu, lúc nào đi đánh giặc cũng có mang một bầu rượu. Nhân rót đưa cho ông Duyệt, nói rằng: Hôm nay trời lạnh lắm, chúng ta uống chén rượu này để mà gắng sức lên. Ông Duyệt nói: Ai khiếp thì phải uống, tôi đây không sợ giặc, không cần phải uống. Từ đó hai ông bất bình với nhau".
Mời độc giả xem video: Ma trận sách giả trên mạng xã hội. Nguồn: VTV TSTC.