Dồn dập báo lãi khủng
CTCP Vinhomes (VHM) của tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 năm 2018 với lợi nhuận ở mức cao chưa từng có, vượt qua hầu hết các tên tuổi lừng danh trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Theo báo cáo, lợi nhuận trước thuế quý 2 của công ty phát triển bất động sản Vinhomes đạt suýt soát 5 ngàn tỷ đồng, sau thuế đạt gần 3,9 ngàn tỷ đồng, tăng lần lượt 90 lần và 560 lần so với cùng kỳ năm trước 2017.
Mức tăng trưởng cao như vậy là do Vingroup tái cấu trúc Vinhomes thành công ty nòng cốt trong phát triển nhà ở và căn hộ. Tuy nhiên, đây cũng là một kết quả vượt sức tưởng tưởng của nhiều nhà đầu tư bởi Vinhomes trở thành doanh nghiệp hiếm hoi có lợi nhuận vượt qua nhiều ngân hàng lớn để trở thành quán quân lợi nhuận trên TTCK.
Tính chung 6 tháng, Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi lợi nhuận trước thuế đạt gần 10 ngàn tỷ đồng, một kỷ lục mà ngay cả ông lớn trong ngành sữa Việt Nam Vinamilk (VNM) cũng phải kính nể. Lợi nhuận của ông lớn ngân hàng Vietcombank (VCB) cũng chỉ đạt 8 ngàn tỷ đồng trong kỳ, đại gia dầu khí PV GAS (GAS) ghi nhận lợi nhuận 7,3 ngàn tỷ đồng.
Lợi nhuận của Vinhomes gấp gần 3 lần Masan Group (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, gấp hơn 3 lần hãng bia có thị phần lớn nhất Việt Nam Sabeco (SAB) và gấp 5 lần trùm bán lẻ điện thoại điện máy Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài.
Tính chung, trong 6 tháng đầu năm, TTCK ghi nhận ít nhất 9 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế trên 5 ngàn tỷ đồng. Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng cũng có lợi nhuận 6,3 ngàn tỷ đồng; Vietinbank (CTG), Techcombank (TCB) của ông Hồ Hùng Anh và BIDV (BID) đều từ 5 ngàn tỷ đồng trở lên.
Ngân hàng chính là nhóm đầu tiên thông báo lợi nhuận trong 6 tháng đầu 2018 bùng nổ, hầu hết tăng vài chục phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Vietcombank lãi 7,7 ngàn tỷ, tăng 53%; TPBank lãi hơn ngàn tỷ, tăng 2 lần so với cùng kỳ. Đa số các ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng từ 50-150%.
Ngân hàng báo lãi lớn chủ yếu nhờ kiểm soát xử lý nợ xấu tốt, nhiều ngân hàng đã sạch nợ xấu ở VAMC; tăng trưởng tín dụng cao; các tổ chức tín dụng tiếp tục chuyển biến và hiệu quả, từ hướng chiến lược đẩy mạnh bán lẻ thay vì chủ yếu bán buôn những năm trước đây.
Các đại gia Trần Đình Long, Phạm Nhật Phượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Bá Dương (từ trái qua phải) |
Nhưng không chỉ NH, các doanh nghiệp lớn trên sàn cũng có lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc, nhiều đơn vị chứng kiến tăng trưởng lợi nhuận vài chục tới cả trăm phần trăm. Thị trường bán lẻ truyền thống bị cạnh tranh từ thương mại điện tử, bán lẻ online nhưng MWG của ông Nguyễn Đức Tài ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều tăng trên 40% nhờ việc mở rộng mạng lưới bán hàng. Mảng online cũng tăng vượt trội, ghi nhận bước chuyển mình theo xu hướng phá triển chung trên thế giới.
Đại gia và cuộc đua lên đỉnh giàu có
Trong vài năm gần đây, hàng loạt doanh nhân Việt ghi nhận tốc độ giàu có ở mức đáng kinh ngạc.
Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, ông chủ của bộ 3 cổ phiếu Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) tiếp tục là người giàu nhất trên TTCK, bỏ xa các tỷ phú tiếp theo như Nguyễn Thị Phương Thảo (VietJet - VJC), Trần Đình Long (HPG)...
Tính theo giá trị tài sản từ cổ phiếu VIC trên thị trường, ông Vượng có túi tiền gần 208 ngàn tỷ đồng (khoảng 8,8 tỷ USD). Còn theo Forbes, ông Vượng hiện giàu thứ 213 trên thế giới với tài sản 7,3 tỷ USD (tính tới 6/7).
Sở dĩ ông Vượng giàu nhanh bởi Vingroup là một tập đoàn lớn nhưng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hiếm có, gấp hàng ngàn lần trong 10 năm qua. Giá cổ phiếu VIC tăng mạnh khoảng 3,3 lần trong hơn một năm qua và đang ở mức cao kỷ lục mọi thời đại.
Hàng loạt dự án BĐS khủng ra hàng giúp nhóm cổ phiếu của ông Vượng tăng mạnh. Trong quý 2, VinHomes ghi nhận doanh thu từ các đại dự án như VinHomes Central Park (nổi bật với tòa nhà cao nhất The Landmark 81), VinHomes Green Bay, Vinhomes The Harmony, Vinhomes Golden River, Vinhomes Imperia và Vinhomes Dragon Bay...
Masan Group (MSN) của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang đánh giá lại khoản đầu tư vào Techcombank nên có lãi ròng 6 tháng tăng gấp 5,7 lần so với cùng kỳ lên hơn 3 ngàn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang chưa được Forbes xếp vào danh sách tỷ phú USD trên thế giới do các doanh nghiệp ông Quang nắm cổ phần đều không xác nhận thông tin về sở hữu. Tuy nhiên, Bloomberg đã từng xác nhận ông Quang là tỷ phú USD với tài sản hơn 1,1 tỷ USD.
Trong cuộc đua về quy mô và lợi nhuận, trong nửa đầu 2018, thị trường đã ghi nhận hơn 30 DN có tên trong câu lạc bộ lợi nhuận ngàn tỷ.
HDBank (HDB) và VietJet (VJC) của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đều lọt top ngàn tỷ. HDBank là gương mặt mới trong nhóm ngân hàng lọt nhóm này, cùng với VIBank của ông Đặng Khắc Vỹ. HDB ghi nhận lợi nhuận 6 tháng cao lịch sử với hơn 2 ngàn tỷ đồng với sự đột phá của lĩnh vực dịch vụ và tăng trưởng tín dung.
VJC trong khi đó đạt lợi nhuận trước thuế gần 2,4 ngàn tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự siêu tăng trưởng của lĩnh vực hàng không.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục là người giàu thứ hai Việt Nam, là nữ doanh nhân giàu nhất Đông Nam Á, với khối tài sản theo Forbes tới 6/8 là 2,9 tỷ USD, xếp thứ 823 trên thế giới.
Trong vài năm gần đây, các doanh nhân Việt giầu lên rất nhanh. Nhiều người chứng kiến tài sản vọt lên nhiều ngàn thậm chí vài chục tỷ. Tốc độ tăng trưởng quy mô của doanh nghiệp và giá cổ phiếu là nguyên nhân chính giúp các đại gia trở nên giàu có.
Tuy nhiên, cuộc đua lên đỉnh ở vào thời điểm này chủ yếu dựa vào sự phát triển theo chiều rộng, mở rộng về quy mô, với hàng loạt dự án mới cũng như hệ thống phân phối được đưa vào hoạt động. Đây được xem là thời kỳ đầu của phát triển. Cuộc đua được dự báo sẽ ngày càng gay gắt và danh sách có thể sẽ có những thay đổi lớn khi các doanh nghiệp bước vào thời kỳ phát triển theo chiều sâu, tập trung vào chất lượng, dựa vào công nghệ. Nhiều đại gia có thể sẽ chìm nghỉm và nhiều gương mặt mới sẽ nhanh chóng xuất hiện trong thời kỳ công nghiệp 4.0 đang nở rộ.