Hơn 9h sáng, sau cơn mưa xối xả, chị Hằng Ruby (Lê Thị Thu Hằng, sinh năm 1987) dẫn chúng tôi vào thăm vườn hồng của mình. Vừa đi, chị vừa giới thiệu, đây chỉ là một khu nhỏ trong số các vườn hồng mà chị đang có. Vậy mà, hiện ra trước mắt chúng tôi là cả một rừng hoa hồng tầng tầng lớp lớp, tràn ngập sắc màu từ đỏ nhung, cam, vàng, trắng, hồng,... của các giống hồng nội, ngoại đua nhau bung nở.
Chị Hằng tâm sự, vốn là thạc sĩ nông nghiệp chuyên ngành chọn tạo giống cây trồng, lại xuất thân từ nhà nông nên công việc trồng cây đã trở thành mạch máu, thành nhựa sống của chị.
Thế nhưng, mãi đến năm 2014, khi một người bạn nhờ chị chăm sóc cây hồng ngoại của Anh có tên David Austin rồi đánh giá khả năng thích nghi, sinh trưởng và phát triển của chúng trong điều kiện khí hậu tại Việt Nam thì tình yêu hoa hồng của chị đầu nảy nở.
Chị Lê Thị Thu Hằng bên vườn hồng rực rỡ của mình |
Khi ấy, càng đi sâu vào tìm hiểu, chị càng phát hiện ra nhiều điều thú vị từ hoa hồng. Khác với các loài hoa khác chỉ ra hoa vào một mùa, hồng cho hoa quanh năm, lại có đủ màu sắc, hương thơm độc đáo. Đặc biệt, các giống hồng ngoại cũng có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu của Việt Nam.
Cũng chính vì những phát hiện thú vị đó, chị đã tự mình đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng, vào cả miền Trung, Đà Lạt, TP.HCM, Sa Đéc (Đồng Tháp),... để tìm mua các giống hồng cổ, hồng ta của Việt Nam về trồng trong khu vườn của mình.
Chưa dừng lại ở đó, chị Hằng còn bay sang Trung Quốc, Thái Lan,... thậm chí sang cả Anh để tìm mua các giống hồng ngoại. Bởi, theo chị, hoa hồng của Việt Nam rất phong phú nhưng số lượng cũng chỉ khoảng 100 giống. Còn hoa hồng ngoại cho bông nhiều màu sắc lại đa dạng về chủng loại như hồng bụi, hồng leo, hồng thân gỗ (tree rose),...
"Hồng nội tìm không quá khó, chị đi các tỉnh thành mua giống chuẩn khá dễ dàng. Tuy nhiên, việc tìm mua các giống hồng ngoại gặp nhiều khó khăn bởi chúng rất đắt đỏ", chị nói.
Vườn hồng rực rỡ đủ loại là niềm tự hào của chị |
Vì thế, để mua được một cây giống hồng ngoại, chị phải bay ra nước ngoài.
Có những giống về tới Việt Nam, chị phải bỏ ra cả chục triệu đồng. Về sau, khi đã quen với các mối phân phối hoa tại các nước thì công việc tìm mua giống hoa hồng dễ dàng hơn. Chị chỉ việc tìm hiểu giống mà mình muốn nhập, đặt mua online sau đó công ty sẽ chuyển hàng về tận vườn.
Với người làm ở cơ quan nhà nước như chị, tiền lương ba cọc ba đồng, đến sinh hoạt phí của bản thân còn phải tằn tiện chứ đừng nói chuyện bỏ vài trăm cho tới vài triệu đồng để mua một gốc hồng về trồng, nên việc đó không hề đơn giản. Chị tâm sự, hồi mới bén duyên với hoa hồng, để có tiền mua giống, chị phải nhờ hết vào viện trợ của chồng.
"Lúc đầu nghe nói về chuyện sưu tập hoa hồng của tôi anh cũng phản đối kịch liệt. Song, vì đam mê của vợ nên chồng tôi đành chiều theo, trích lương tài trợ tiền cho vợ mua giống hoa ban đầu", chị kể.
Để có được hơn 600 giống hồng như hiện tại, chị Hằng phải đầu tư nhiều công sức và tiền bạc |
Sau này, chị áp dụng phương pháp lấy ngắn nuôi dài. Các giống hoa ngoại, hoa nội mua về đầu tiên được chị trồng khảo nghiệm. Sau khi thành công, chị bắt đầu nhân giống thương mại để bán ra ngoài thị trường. Bán được tiền giống, chị lại lấy tiền đó để mua giống hồng khác.
Ngồi ngắm vườn hồng đang khoe sắc, chị Hằng tiết lộ, suốt mấy năm trời lang thang trong và ngoài nước, giờ chị đã là chủ bộ sưu tập 500 giống hoa hồng ngoại và khoảng 100 giống hoa hồng nội. Cùng với đó, chị dành toàn bộ thời gian rảnh của mình để nghiên cứu về đặc tính của các loại hoa hồng bất thời gian ngày hay đêm.
Kết quả, sau 4 năm trời theo đuổi niềm đam mê của mình, chị Hằng được giới chơi hoa hồng coi là chuyên gia hành đầu về loại hoa này. Chị có thể đọc được đúng tên các loại hoa hồng khi mới nhìn cành và lá, không cần nhìn hoa.