Tinh vi “núp bóng” hàng nội
Nguyễn Minh Quốc, công nhân đẩy hàng thuê cho công ty Trung Quốc, dẫn chúng tôi tới vựa bán sỉ nông sản ngoại N.H ở khu B chợ đầu mối nông sản Tam Bình, Thủ Đức. Chỉ tay vào bịch cà rốt, Quốc hỏi như thách đố: “Ông đoán xem đây là cà rốt Trung Quốc hay Việt Nam?”. Không cần suy nghĩ, tôi trả lời: Cà rốt Việt Nam, trồng ở Đà Lạt. Quốc cười: “Sai bét rồi, hàngTrung Quốc đó ông!”.
8 giờ tối hàng rau củ bắt đầu về chợ đầu mối nông sản Tam Bình, Thủ Đức. 10 giờ, tiểu thương ở khắp nơi túa đến lựa chọn, ngã giá rồi vội vã chất hàng lên xe tải chở về ngay trong đêm để kịp bán chợ sáng sớm.
Sờ tay vào bịch cà rốt vẫn còn lạnh ngắt, củ còn nguyên đất, phần cuống còn nguyên lá, không ai nghĩ đó là hàng Trung Quốc. Qua khảo sát, loại cà rốt này đang bán tràn lan ở các chợ lẻ TP.HCM. 100% tiểu thương đều giải thích đây là cà rốt trồng ở Đà Lạt hoặc từ các tỉnh phía Bắc chuyển vào. Cũng vì còn nguyên đất, cuống lá nên bà nội trợ nào cũng tin là cà rốt trồng nội địa. Hoá ra, lâu nay tất cả đều bị lừa.
Quốc giải thích: Trước đây, người tiêu dùng thường e ngại loại cà rốt củ to, da nhẵn, phần cuống không có lá nhập từ Trung Quốc, nên các công ty Trung Quốc liền nghĩ ra cách đối phó, bằng việc để nguyên đất và cuống nhằm đánh lận với hàng nội địa. Kế này giúp hàng bán chạy hơn hẳn.
Quốc nói, nhờ lừa được người dùng nên loại cà rốt Trung Quốc còn nguyên cuống lá có giá 10.000 đồng, cao hơn 2.000 đồng so với loại nhẵn nhụi. Bà Thuỷ, tiểu thương chợ Linh Trung, Thủ Đức đang mua hàng ở vựa N.H, cũng khẳng định người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là cà rốt ngoại quốc với cà rốt nội khi nó được “nguỵ trang” tinh vi như vậy.
“Không chỉ có cà rốt, mà bây giờ ngay cả khoai tây, hành tây Trung Quốc hay hành tím Ấn Độ, hành tây Hà Lan cũng được nhà nhập khẩu “sơ chế” giống hệt hàng nội địa!”, bà Thuỷ tiết lộ.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Thủ Đức) thừa nhận một số nông sản, như khoai tây, hành tây, đặc biệt là củ tỏi… Việt Nam không thể trồng số lượng lớn, mùa vụ không có quanh năm nên buộc phải nhập. Gần đây, Việt Nam phải nhập thêm hành tím, hành tây Ấn Độ và Hà Lan, củ gừng của Philippines để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nội địa.
“Lấy vị dụ củ gừng, trong nước trồng củ nhỏ, khi nạo ra để lâu nước chuyển màu đen, còn gừng của Philippines củ lớn, chế biến ra nước có màu trắng rất đẹp nên được nhà hàng, khách sạn, quán ăn ưa thích!”, bà Hà nói.
Buôn một lời mười
Khu vực A và B ở chợ đầu mối Tam Bình, Thủ Đức là nơi tập trung các loại nông sản ngoại. Có tới năm năm kinh nghiệm đẩy hàng thuê cho thương nhân Trung Quốc, nên Quốc cho biết nông sản Trung Quốc muốn tìm đường vào chợ thì giới thương nhân nước này phải kết hợp thương nhân người Việt nhập hàng về theo đường tiểu ngạch. Cũng có khi thương nhân Trung Quốc mở văn phòng tại Việt Nam rồi kết hợp với ban quản lý chợ đầu mối nhập hàng về bán, nên lượng container chở nông sản từ cửa khẩu về mỗi đêm có hàng trăm chiếc.
Chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Thủ Đức là một trong những điểm trung chuyển hàng nông sản lớn nhất TP.HCM. Ảnh: T.L |
Bên cạnh nông sản tiểu ngạch, những loại nhập chính ngạch từ Ấn Độ, châu Âu, Philippines, Thái… thường do các công ty tư nhân Việt Nam đứng ra làm, nhưng kiểu gì cũng phải đưa đến chợ đầu mối để bán mới có doanh thu cao được.
Đêm 10.12, dạo một vòng khu vực xuống hàng container (ngang sát khu B chợ đầu mối), chúng tôi ghi nhận giá sỉ hầu hết các loại nông sản mà thương nhân Trung Quốc bán cho các chủ vựa ở chợ đầu mối đều khá… bèo. Còn chủ vựa bán lại cho tiểu thương chợ lẻ thường chênh lệch 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Chẳng hạn, hành tây Trung Quốc có giá từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, trong khi tiểu thương chợ lẻ phải mua của chủ vựa từ 8.000 – 11.000 đồng. Khoai tây giá sỉ có 7.000 – 8.000 đồng/kg, vựa bán lại cho tiểu thương chợ lẻ ăn thêm 2.000 – 3.000 đồng. Càrốt chênh lệch giá sỉ và lẻ cũng từ 3.000 – 4.000 đồng; giá sỉ của mặt hàng tỏi từ 16.000 – 17.000 đồng, đến tay tiểu thương là 18.000 – 22.000 đồng/kg.
Hành tím Ấn Độ chủ vựa mua sỉ từ container dao động 18.000 – 19.000 đồng, sau đó bán lại cho tiểu thương 21.000 – 23.000 đồng/kg…
Chênh lệch giá sỉ và lẻ ở ngay chợ đầu mối chỉ vài ba ngàn, còn ra chợ lẻ thì người tiêu dùng phải mua đắt gấp đôi. Tuy nhiên, do điểm chung của hầu hết các loại nông sản ngoại quốc là củ to, nhẵn, dễ chế biến và giá… rất rẻ nên luôn được thị trường ưa chuộng. Một chủ vựa lớn ở khu B mỗi đêm có thể bán vài ba tỉ đồng nông sản ngoại quốc. Chỉ cần mỗi ký lời vài ba ngàn đồng, lợi nhuận mà họ thu được mỗi đêm cũng rất khá…
Nhân viên tại sạp Hoà Chu, thuộc khu nhà lồng này tiết lộ, dù là hành tây nhập từ Hà Lan nhưng giá không hề cao, chỉ 8.500 đồng/kg với loại hành tây vỏ vàng, loại vỏ tím cao hơn 2.000 – 4.000 đồng/kg. Giá ngang ngửa hàng nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ và thấp hơn sản phẩm cùng loại nhập từ Đà Lạt. Giá hành tây Đà Lạt bán sỉ tại chợ cũng 12.000 – 14.000 đồng/kg. Hàng “xịn”, giá rẻ nên được rất nhiều người chuộng, đặc biệt các mối bán lẻ.
Bà Hà cho biết, trung bình mỗi đêm có trên dưới 5.000 tấn hàng về chợ Tam Bình, chỉ riêng hàng Trung Quốc chiếm 10 – 15%. Nông sản Trung Quốc cũng trồng theo mùa vụ, nhưng thường lệch so với nội địa nên hầu như tháng nào, quý nào cũng có loại này, loại khác nhập về chợ. Giá cả thường rẻ hơn 20 – 50% so với hàng nội địa.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, cả nước đã chi khoảng 1,41 tỉ USD nhập khẩu rau quả, tăng tới 72,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong danh sách các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lớn nhất chỉ có Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, chứ chưa thấy có sự xuất hiện các nước châu Âu.
Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều mặt hàng nông sản mới được các nước châu Âu nối lại việc xuất vào Việt Nam trong vài tháng nay, và hiện họ đang tìm cách đẩy mạnh hơn để có thể xuất được nhanh và nhiều hơn nữa.
Tới đây, nếu hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU được nghị viện EU thông qua, có thể sẽ mở đường cho nhiều mặt hàng nông sản từ châu lục này vào Việt Nam. Đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh cho nông dân trong nước sẽ khốc liệt hơn.