Mối đe dọa thực sự là sự mất đất đai bởi quá trình sa mạc hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và phức tạp. |
Bất chấp sự nguy hiểm của cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á, nhân loại đang phải đối mặt với hiểm họa khác, có khả năng tàn phá gấp bội.
Mối đe dọa này cần được đối phó kịp thời và cần có một chiến lược dài hạn được tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế "đồng lòng, nhất trí". Đó không phải là các tên lửa tầm xa, tầm trung Taepodong, Musudan hay Nodong của Triều Tiên mà cũng không phải là những loại vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng đã thử nghiệm gần đây.
Mối đe dọa thực sự là tình trạng sa mạc hóa đang ngày càng lan rộng - hậu quả của việc chặt phá rừng bừa bãi, lạm dụng đất đai và tập quán canh tác sai lầm. Quá trình hoang mạc hóa ngày càng tồi tệ, cơn ác mộng sinh thái ngày càng trở nên nghiệm trọng hơn và khó lòng đảo ngược, xử lý hơn. Thảm họa này sẽ tác động mạnh mẽ tới Hàn Quốc và khu vực, nếu Triều Tiên lại bị lâm vào nạn đói khủng khiếp hồi những năm 1990. Một nước Triều Tiên có hơn triệu quân "trang bị tận răng" rơi vào bất ổn quả là nguy hiểm gấp bội so với tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân.
Giáo sư Kim Seoung-il của Đại học Quốc gia Seoul ước tính, hơn 10.000 km2 rừng ở Triều Tiên đã biến mất trong vòng 20 năm qua, dẫn đến sự mất mát gần như không thể đảo ngược của đất đai và một loạt các loại thiên tai nghiêm trọng như lũ lụt, hạn hán.
Những hiểm họa môi trường mới đòi hỏi cộng đồng quốc tế không nên cô lập Triều Tiên mà cần phải có quan hệ đối tác, hợp tác hạn trực tiếp mới có thể giải quyết được vấn đề. Thế giới không thể làm ngơ và để mặc Triều Tiên đơn độc đối mặt với mối hiểm họa môi trường vô cùng nghiệm trọng này.
Triều Tiên thiếu chuyên môn kỹ thuật để tự giải quyết vấn nạn phá rừng bừa bãi. Trong nhiều trường hợp, người dân địa phương buộc phải chặt cây lấy gỗ để mưu sinh. Do đó, các nước phát triển cần hỗ trợ Triều Tiên về chuyên môn, nguồn lực và thay đổi về văn hóa tiêu dùng hiện nay. Vì lợi ích chung, cộng đồng thế giới không thể cô lập Triều Tiên trong cuộc chiến chống vấn nạn sa mạc hóa lan rộng tới khu vực Đông Á.
Vấn nạn sa mạc hóa ở Triều Tiên chỉ là một biểu hiện cực đoan hơn của xu hướng đang phổ biến ở châu Á – một khu vực đang mất dần mất mòn đất đai do quá trình sa mạc hóa thậm chí còn nhanh hơn cả châu Phi. Hiện nay theo ước tính, hàng năm gần 5.000 km2 đất đai bị mất đi bởi quá trình sa mạc hóa trong khu vực. Ít nhất 13 triệu km2 đất đai của Trung Quốc và Mông Cổ đã bị mất đi vì sa mạc hóa mà không có cách nào cứu vãn.
Cát bụi từ các sa mạc đang lan rộng về phía đông bắc Trung Quốc đã theo gió bay tới Seoul và thậm chí nhiều khu vực của Nhật Bản, chính thức trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sinh thái và sức khỏe con người.
Trong tương lai, Công ước Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa cần đóng một vai trò trung tâm trong các vòng đàm phán 6 bên. Về phần mình, Mỹ cần tăng cường nhận thức về mối hiểm họa sa mạc hóa và từ đó, hoạch định lại chiến lược hiện hành - trong bối cảnh vấn nạn sa mạc hóa đang ngày càng trở nên trầm trọng ở Triều Tiên, Mông Cổ, Trung Quốc.