Đua ngựa có 3 hình thức chính là đua ngựa thuần chủng, đua ngựa xe kéo và đua ngựa vượt rào. Cả 3 hình thức đều có 3 đặc điểm khác nhau, như ngựa đeo yên cương, ngựa gắn với xe kéo và điều khiển ngựa để vượt chướng ngại vật.
Đua ngựa thuần chủng là loại hình dễ thấy nhất bởi có thể tổ chức trong mọi điều kiện, mọi thời gian. Còn ở các giải đua xe kéo và vượt rào, người ta đặt ra các chướng ngại như hàng rào hay rãnh nước để ngựa có thể nhảy qua.
Ngược dòng thời gian
Nói đến đua ngựa là nói đến một truyền thuyết tồn tại từ lâu đời, có lẽ là từ trước Công nguyên, khi mà một số giải đua ngựa xe kéo bắt đầu hình thành và lan rộng. Môn thể thao này bắt đầu từ thời Hy Lạp cổ đại, nhưng đến thời đế chế Rome, dường như nó lại khá mờ nhạt. Phải đến thế kỷ thứ 5 sau CN, khi đế chế Rome sụp đổ, môn đua ngựa mới lóe sáng trở lại.
Vào thế kỷ thứ 6 sau CN, giống ngựa ở các nước Ả rập vùng Trung Đông đã được thiên hạ biết đến. Những chú ngựa này nhờ có đặc tính ưu việt hơn các giống ngựa khác nên có tốc độ nhanh đến khó tin. Giống ngựa Ả rập kể từ đó trở thành giống ngựa hết sức quý hiếm, khiến người châu Âu thèm khát cho đến nay. Ban đầu, một con ngựa Ả rập đã được Vua Henry I của Anh Quốc nhập vào nước này.
Cảnh tái hiện đua ngựa thời La Mã lên phim ảnh. |
Kể từ đó, người Anh xây dựng một loạt các trường đua ngựa mô phỏng thời đế chế Rome tại London năm 1.174, nơi mà các cuộc đua ngựa dần trở nên nổi tiếng. Ban đầu, đường đua thường có độ dài khoảng 4 dặm,nhưng sau đó các điều luật của môn thể thao này được sửa đổi bởi Vua Charles II.
Ở Mỹ, trường đua ngựa đầu tiên được xây dựng ở Long Island, Bắc Mỹ. Những chú ngựa lai từ dòng ngựa quý Ả rập Darley đã được mang tới bang Virginia lần đầu tiên. Và kể từ đó, các bang như Virginia, Pennsylvania và Maryland cũng trở thành quê hương của đua ngựa trên đất Mỹ.
Giống ngựa huyền thoại
Nói đến bộ môn đua ngựa thì đầu tiên phải nhắc tới ngựa Ả rập, giống ngựa quý hiếm gắn liền với lịch sử của môn thể thao Hoàng gia này. Ngựa Ả rập được thuần hóa bởi người Bedouin ở Trung Đông nhờ được phát hiện có thể lực hết sức sung mãn, và cực kỳ dai sức.
Giống ngựa này có khả năng chạy trên quãng đường rất dài, trong khi vẫn giữ được tốc độ ổn định. Giới khoa học thì nói rằng cơ thể loài ngựa này chứa đầy các sợi cơ loại 1.
Ngựa Ả Rập gắn liền với sự quý phái. |
Các thớ cơ này có khả năng hoạt động trong khoảng thời gian dài, trong khi lại rất thon gọn nên giảm trọng lượng cơ thể của ngựa Ả rập. Do các đặc tính trên nên ngày nay, giống ngựa quý này thường được sử dụng để tham gia vào các cuộc đua đường trường ở nhiều nước.
Gian nan huấn luyện
Đua ngựa ngày nay là một ngành thương mại khổng lồ, trị giá hàng hàng tỷ USD. Đua ngựa không chỉ phổ biến ở Bắc Mỹ, Anh, các nước châu  hay Ả rập, mà còn phát triển ở một số nước châu Á như Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia và cả ở nước ta.
3 giống ngựa thường được lựa chọn nhất cho các giải đua chính là giống ngựa Ả rập Darley Arabian, Godolphin Barb và ngựa Byerly Turk của Thổ Nhĩ Kỳ.
Huấn luyện những chú ngựa đua là một nghề đòi hỏi kỹ năng và sự kiên trì của các chủ ngựa. Những chú ngựa đua bắt đầu được huấn luyện từ khi 2 tuổi, bắt đầu bằng việc chở hàng và làm ngựa cưỡi.
Huấn luyện ngựa đua rất khó khăn. (Ảnh: Model Horse Gallery) |
Bên cạnh đó, trong khoảng từ 3-5 tuổi, một số chú ngựa đã phải sẵn sàng để đua, và thường bắt đầu sự nghiệp đua của chúng ở độ tuổi lên10. Tuy nhiên, việc chăm sóc và huấn luyện vẫn là quá trình được quan tâm nhiều nhất dù ngựa đã tham gia đua hoặc chưa.
Người ta cũng đặt ra nhiều thuật ngữ nhằm tôn vinh những chú ngựa đua. Những con ngựa cái dưới 5 tuổi được gọi là “fillies” và sau đó khi lớn lên được gọi là “mere”. Trong khi con đực có tuổi dưới 5 được gọi là “gelding” hoặc “colt” và sau khi đã đến 5 tuổi thì gọi là “stallion”.
Thú chơi đắt đỏ
Đua ngựa được gọi là môn thể thao Hoàng gia, bởi nó quá tốn kém và mất nhiều công sức chăm nuôi. Trẻ em từng một lần mơ được cưỡi ngựa như chúng được xem trên TV, nhưng rất ít trong số này có khả năng thực hiện ước mơ ấy trong tương lai.
Môn đua ngựa đòi hỏi chi phí huấn luyện, chăm sóc ngựa cho các sự kiện, và nó có thể lên đến hàng trăm nghìn USD. Ví dụ, chi phí trung bình để có thể cho ra mắt một chú ngựa đua có thể vượt trên 200.000 USD/năm.
Pegasus là chú ngựa đắt giá nhất thế giới. (Ảnh: Blood Horse) |
Nhưng đó là còn chưa kể đến tiền mua ngựa. Giá của những chú ngựa giống tham gia các giải đua không hề rẻ, có thể lên tới hàng triệu USD. Thế giới từng chứng kiến nhiều thương vụ mua ngựa đua với thỏa thuận lên tới nhiều triệu USD.
Cách đây 10 năm, vào năm 2006, chú ngựa giống Ả rập có tên Plavius đã thuộc sở hữu của Phó Thủ tướng Tiểu các Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) với mức giá 9,2 triệu USD.
Còn con ngựa được cho là đắt giá nhất từng được bán có tên Fusaichi Pegasus. Đó là chú ngựa từng giành chiến thắng trong giải đua lớn Kentucky Derby năm 2000, và kết thúc sự nghiệp của mình với 9 giải đua, 6 lần chiến thắng và 2 lần thua cuộc.
Trong suốt sự nghiệp, Pegasus đã giúp mang lại khoản tiền thưởng lên tới 1.994.400 USD, đó là một con số hết sức ấn tượng. Pegasus trở thành chú ngựa đắt giá nhất sau khi nhà phối giống nổi tiếng của Ireland Coolmore Stud, mua lại chú với giá 70 triệu USD.