Công an huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết, hiện đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lương Phò Huyền (SN 1983, trú tại xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn) với tội danh “Giết người”. Theo đó vào ngày 8/3, trong lúc đang ngủ trưa Huyền gặp phải một cơn ác mộng. Trong giấc mơ đối tượng thấy mình đang chiến đấu với một con hổ dữ giữa rừng sâu.
Ngay lập tức đối tượng vùng dậy dùng một con dao phát rẫy chém thẳng vào thân thể người vợ của mình là chị Lương. Chỉ đến khi máu từ thân thể của người vợ phun ra thì Huyền mới bừng tỉnh. Quá sợ hãi trước việc mình vừa làm, đối tượng đã dùng chính con dao đó để cắt cổ tự sát nhưng bất thành.
Liên quan vụ án hi hữu này, dư luận quan tâm đến việc đối tượng Lương Phò Huyền do mơ ngủ thấy hổ dữ mà sinh ra ảo giác giết vợ mình thì sẽ bị xử lý thế nào?
Mơ thấy hổ dữ, đối tượng chém chết vợ. |
Nhận định về vụ việc, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho biết, nếu đối tượng Lương Phò Huyền mơ mà giết vợ thì là vô ý giết người.
“Bản thân Lương Phò Huyền không hề có mâu thuẫn với vợ. Có thể do đối tượng hay uống rượu mà người uống nhiều rượu thường mơ thấy ma quỷ, hổ dữ và ảo giác dẫn đến hành vi vô ý giết người và cái chết thương tâm của người vợ đã xảy ra. Ngay cả hành động khi thấy vợ chết, đối tượng đã dùng dao để cắt cổ tự sát nhưng bất thành cho thấy đối tượng rất ân hận”, Luật sư Thái cho biết.
“Vụ án này chắc chắn cơ quan điều tra sẽ thực nghiệm, điều tra, xem xét thu thập thêm những bằng chứng để làm căn cứ xét xử đối tượng này theo hành vi vi phạm pháp luật. Nếu thực sự đối tượng mơ thấy hổ mà giết vợ thì phạm điều 98 Bộ luật hình sự với khung hình phạt theo khoản 1”, Luật sư Thái cho hay.
Tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định:
1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
Định nghĩa của tội vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.
Về khách quan, người phạm tội có những hành vi tương tự hành vi của tội giết người; hậu quả xảy ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả cũng tương tự như đối với giết người.
Về ý thức chủ quan của người phạm tội và đây cũng là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội vô ý làm chết người với tội giết người. Đó là lỗi của người phạm tội, người phạm tội vô ý làm chết người thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi vô ý do vô ý bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.
Theo quy định tại Điều 10 Bộ luật hình sự thì vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
- Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
- Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hậu quả đó.
Bộ luật hình sự không quy định rõ các hình thức vô ý phạm tội nhưng cần căn cứ vào nội dung quy định trên, chúng ta thấy rõ có hai hình thức vô ý phạm tội mà khoa học luật hình sự gọi là vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.
- Vô ý vì cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, tay nghề, v.v..
- Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.