Mở nắp bồn nước trong cây xăng, tá hoả thấy thi thể nổi lên.
DGW đính chính sai sót trong nghị quyết về khoản vay tại Vietcombank
(Vietnamdaily) - Công ty Cổ phần Thế Giới Số (DGW) vừa công bố đính chính ngày ký kết nghị quyết về việc vay vốn tại Vietcombank chi nhánh Tân Bình.
Digiworld thực hiện vay 1.000 tỷ từ ngân hàng Vietcombank nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh |
Ngày 5/7/2024, Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, mã: DGW) đã công bố đính chính thông tin về Nghị quyết Hội đồng quản trị số 17/2024/NQ-HĐQT ngày 24/06/2024 về việc vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Tân Bình.
Cụ thể, thông tin về ngày ký nghị quyết đã được đính chính từ 26/04/2024 thành 24/06/2024.
Nghị quyết này đã được thông qua với mục đích vay vốn để bổ sung vốn lưu động, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Tổng hạn mức vay ngắn hạn, phát hành bảo lãnh ngắn hạn và phát hành LC ngắn hạn là 1.000 tỷ đồng.
Trước đó, Hội đồng quản trị Digiworld đã thông qua kế hoạch phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP (Employee Stock Ownership Plan) dành cho cán bộ nhân viên công ty. Mức giá ưu đãi chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng 1/6 giá thị trường ngày 5/7 là 64.500 đồng/cổ phiếu.
Số lượng cổ phiếu ESOP không mua hết sẽ được HĐQT phân phối cho đối tượng khác theo các điều kiện phù hợp, nhưng không thuận lợi hơn so với điều kiện dành cho cán bộ chủ chốt.
Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Nếu nhân viên chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian này, công ty sẽ mua lại số cổ phiếu đó với giá phát hành để làm cổ phiếu quỹ.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Digiworld đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 với doanh thu 23.000 tỷ đồng và lợi nhuận 490 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả kinh doanh quý I/2024 cũng cho thấy tín hiệu tích cực với doanh thu 4.985 tỷ đồng và lợi nhuận 92 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch doanh thu và 19% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Dữ liệu vĩ mô nửa đầu năm: GDP vượt xa mức kế hoạch 6,2% của Chính phủ
(Vietnamdaily) - GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, và khả năng tăng trưởng GDP cả năm có thể vượt kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng GDP lũy kế 2024
Theo SSI, tăng trưởng GDP quý 2/2024 đạt 6,93% so với cùng kỳ, vượt xa mức kế hoạch 6,2% của Chính phủ. Động lực chính từ khối FDI và một phần từ đầu tư công, trong khi khối DN tư nhân trong nước vẫn cần nhiều thời gian hơn trong quá trình hồi phục.
Nhờ vậy, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, và khả năng tăng trưởng GDP có thể vượt kế hoạch 2024.
Xét về phía cầu, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 5,78% trong khi tích lũy tài sản tăng 6,72%. Xuất siêu vẫn ở mức gần 12 tỷ USD - thể hiện Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ tỷ giá thương mại hàng hóa).
Tính chung 6 tháng, động lực tăng trưởng chính duy trì ở ngành chế biến chế tạo (+7,54%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm). Khu vực dịch vụ ghi nhận mức tăng khiêm tốn (+6,64% so với 6,75% trong năm 2023) trong đó các nhóm ngành cấp 2 như bán lẻ, tài chính/ngân hàng hay bất động sản chưa thấy sự bứt phá.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lũy kế 2024
Xu hướng hồi phục trong nửa đầu năm đến từ nhóm sản xuất chế chiến chế tạo đã tương đối rõ hơn (số liệu GDP quý 1 hay số liệu SXCN trong tháng 5 được điều chỉnh tăng).
Giá trị tăng thêm ngành chế biến chế tạo trong Quý 2 tăng mạnh (10,04% so với cùng kỳ, so với mức 7,21% trong Quý 1), tương đồng với mức tăng đến từ chỉ số IIP ngành chế biến chế tạo (tăng 10,8% so với cùng kỳ) .
Tăng trưởng xuất khẩu lũy kế 2024
Hoạt động thương mại tiếp tục phục hồi tốt với mức tăng trưởng 2 con số trong Quý 2. Nhập khẩu (+19,6% so với cùng kỳ) tăng mạnh hơn xuất khẩu (+12,5% so với cùng kỳ) là tín hiệu tích cực khi thời điểm này là mùa cao điểm của nhập khẩu để chuẩn bị cho xuất khẩu vào cuối năm.
Trong 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ ghi nhận mức nhập siêu lớn 4,9 tỷ USD, đặc biệt trong Quý 2 (nhập siêu 2,8 tỷ USD) đã phần nào tạo áp lực lên tỷ giá.
Tăng trưởng doanh thu bán lẻ lũy kế 2024 (loại trừ lạm phát)
Tiêu dùng chưa bứt phá khi doanh thu bán lẻ Quý 2 chỉ tăng 7,6% so với cùng kỳ (Quý 1: 8,1%). Nếu loại trừ lạm phát, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ (so với mức 8,8% trong năm 2023).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 5 tiếp tục bị điều chỉnh giảm (giảm 0,6%), cho thấy tiêu dùng trong dịp Lễ 30/4 không quá đột biến.
Đáng chú ý, số liệu lao động có một số điểm hạn chế và có thể đã ảnh hưởng tới thu nhập hộ gia đình, bao gồm tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động hay tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong Quý 2 đều nhích tăng.
CPI lũy kế 2024
Lạm phát tháng 6 tăng nhẹ (+0,17% so với tháng trước và 4,34% so với cùng kỳ) – giảm nhẹ từ mức tăng 4,44% so với cùng kỳ trong tháng 5.
Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm vẫn trong vùng kiểm soát (4,03%), trong đó giá nhóm lương thực (tăng 15,76% so với cùng kỳ), giáo dục (+8,58%), y tế (+7,07%) và giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+5,51%) đóng góp nhiều nhất làm tăng CPI 6 tháng đầu năm 2024.
Áp lực lên lạm phát trong 6 tháng vẫn còn khá lớn và chúng tôi nâng dự báo lạm phát bình quân trong năm 2024 lên mức 4,2% trước áp lực tăng lương, tỷ giá và việc điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Giải ngân vốn FDI lũy kế 2024
Giải ngân FDI trong 6 tháng đầu năm đạt 10,8 tỷ USD – tăng 7,8% so với cùng kỳ và phần lớn giải ngân vào lĩnh vực chế biến chế tạo (79% tổng vốn giải ngân).
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm đạt 30% kế hoạch. Mức giải ngân theo số tuyệt đối giảm khoảng 8% so với cùng kỳ do mức nền cao trong năm 2023.
Bên cạnh các nguyên nhân như công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên vật liệu xây dựng hay công tác phân bổ chi tiết kế hoạch vốn chậm, việc giải ngân trong năm 2024 gặp nhiều khó khăn hơn do tập trung thi công các dự án đã được tạm ứng trong năm 2023 hay nhiều dự án đã sang giai đoạn có giá trị giải ngân thấp.
Tăng trưởng tín dụng
Theo TCTK, tính đến ngày 24/6, tín dụng tăng 4,45% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ tăng 3,83%) và huy động tăng 1,5% (cùng kỳ tăng 3,68%).
Mặc dù chênh lệch tín dụng – huy động vẫn âm và NHNN đã thực hiện các nghiệp vụ hút ròng nhằm ổn định tỷ giá, thanh khoản hệ thống không gặp nhiều vấn đề và NHTM vẫn tích cực tham gia trên thị trường 2 (KLGDTB tăng 42% so với cùng kỳ).
Lãi suất huy động trên thị trường 1 bật tăng 50-100 điểm cơ bản ở hầu hết các các NHTM. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng cho KHTC vẫn đang ở mức khá thấp, ghi nhận ở 4,5% cho 4 NHTCPNN, 5,0% cho các NHTMCP lớn và 5,5% cho các NHTMCP khác.
Biến động tỷ giá USD/VND (tỷ giá bán của NHTM) từ đầu năm 2024
Tỷ giá liên ngân hàng, niêm yết của VCB và tự do đều đang dao động trong vùng đỉnh lịch sử và tăng khoảng 5,0% so với cuối năm 2023. Mặc dù số liệu về FDI giải ngân và thặng dư cán cân thương mại đều mức cao, cán cân thanh toán trong Quý 1 âm cho thấy dòng tiền rút ròng ra khỏi Việt Nam.
NHNN đã kết hợp kênh phát hành tín phiếu và bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối để cân đối nguồn cung và giá ngoại tệ nhằm giảm áp lực đầu cơ tỷ giá.