Đại thái giám Lý Liên Anh là người có quyền lực lớn nhất, giàu có bậc nhất, thời gian lộng hành dài nhất trong các thái giám của triều Thanh. Cuộc đời Lý Liên Anh để lại cho hậu thế đầy rẫy những câu chuyện nghi hoặc. Không ai tỏ tường phát tích của ông, càng không đếm xuể số gia sản thực sự mà vị thái giám này sở hữu. Riêng cái chết của Lý Liên Anh vẫn còn là ẩn số với thế hệ ngày nay.
Theo ghi chép của sử sách, Lý Liên Anh tên thật là Lý Anh Thái. Những thông tin trên bia mộ cho thấy, ông sinh ngày 12/11/1848, mất ngày 4/3/1911. Lý Liên Anh là nhân vật nổi danh trong lịch sử phong kiến Trung Quốc nói chung và triều đình nhà Thanh nói riêng.Vào cung từ rất sớm, Lý Liên Anh nhanh chóng trở thành sủng thần của Từ Hy thái hậu nhờ xảo kế “cứu chúa”. Tương truyền, vua Hàm Phong tiên liệu Từ Hy sẽ trở thành tai họa cho triều đình nhà Thanh về sau, nên trước lúc băng hà, ông để lại di chúc bảo phải giết đi. Lý Liên Anh bèn bẩm báo việc này với Từ Hy rồi cùng bà bàn mưu hủy di chúc. Từ đó, ông trở thành “cánh tay phải” của Thái hậu.
|
Chân dung đại thái giám Lý Liên Anh. |
Vì Lý Liên Anh rất thạo việc, nên dù đổi tới vài đời thái giám thân cận, Từ Hy thái hậu vẫn không một lần rũ bỏ ông. Theo ghi chép của “Vãn Thanh cung đình sinh hoạt kiến văn”, ba bữa cơm mỗi ngày của Từ Hy đều do đại thái giám phục vụ. Ông luôn là người nếm trước hương vị của từng món rồi chọn ra những thực phẩm hợp khẩu vị để Từ Hy thưởng thức. Khi thái hậu buồn bực, Lý Liên Anh đích thân tháp tùng bà ra ngoài đi dạo, thậm chí trò chuyện tới tận đêm khuya.
Khác với ghi chépở những tài liệu khác, trong “Vãn Thanh cung đình sinh hoạt kiến văn” chỉ rõ, ấn tượng của hoàng đế Quang Tự về đại thái giám cũng vô cùng sâu đậm. Sau thời chính biến Mậu Tuất, Quang Tự bị giam tại Doanh Đài - Trung Nam Hải, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Từ Hy thái hậu chỉ sai người mang cơm thừa canh cặn cho hoàng đế. Biết chuyện, Lý Liên Anh bèn tìm tới thỉnh an, dâng chút thức ăn dùng được, khiến Quang Tự rưng rưng cảm động.
Trong suốt 40 năm phục tùng Từ Hy, Lý Liên Anh luôn biết tận dụng thời cơ và mưu trí hơn người để tích cóp gia tài. Tuy nhiên, sự thực về số tài sản của đại thái giám lại không được ghi chép chính xác trong sử sách bấy giờ. Có lời đồn, Lý Liên Anh từng nhận 20 vạn lượng bạc hối lộ của Viên Thế Khải. Thậm chí, trong những năm cuối thời vua Quang Tự, chỉ tính riêng số bạc của đại thái giám tại chốn kinh thành đã lên tới hơn 1.600 vạn lượng. Ngoài ra, Lý Liên Anh cũng tích trữ vô vàn địa sản và châu báu ngọc ngà.
Tới năm 1966, khi khai quật phần mộ của Lý Liên Anh, hài cốt quả thực không có phần thân,duy chỉcó đầu lâu và bộ tóc dài. Rất có thể ông đã bị sát hại, chết không toàn thây. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đó là tập tục chôn cất dành riêng cho các thái giám. Người xưa rất mê tín. Họ quan niệm, phần thân thể không nguyên vẹn khi mai táng sẽ làm nhục tiên tổ. Linh hồn nơi chín suối cũng không đủ tư cách hội kiến liệt tổ liệt tông của mình. Vì vậy, các thái giám sau khi băng hà chỉ được mai táng phần đầu, thân thể sẽ bị vứt bỏ…