Năm 2011, các nhà khảo cổ phát hiện 9 lăng mộ nằm trong quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng gần thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Nhưng các quy định pháp luật Trung Quốc ngăn các nhà khảo cổ tiến sâu vào lăng mộ để khám phá thêm.
Phải tới gần đây, một trận mưa lớn đe dọa tàn phá cấu trúc khu bảo tồn. Các nhà khảo cổ Trung Quốc được cấp phép để khai quật các lăng mộ nhỏ, thu hồi các hiện vật có niên đại hơn 2.000 năm và đặc biệt là các quan tài, trong đó có một quan tài được cho là chứa hài cốt hoàng tử Cao.
Lăng mộ chứa quan tài nghi là hoàng tử Cao khác biệt so với các lăng mộ khác. Lăng mộ có chứa vàng bạc, châu báu, vũ khí, áo giáp, 6.000 tiền xu bằng đồng và các vật dụng được thiết để để người chết sử dụng ở "thế giới bên kia".
Lăng mộ không có dấu hiệu bị xâm phạm cho đến khi các nhà khảo cổ khai quật, nhưng đã bị hư hại đáng kể. "Lăng mộ được xây dựng khá tinh xảo", trưởng nhóm khảo cổ quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Jiang Wenxiao nói. "Lăng mộ này vẫn còn nguyên vẹn khi chúng tôi khai quật".
Các nhà khảo cổ tin rằng, người được chôn ở khu quần thể lăng Tần Thủy Hoàng không phải người thường. Ngôi mộ này nếu không phải là một chiến binh có địa vị cao thì có khả năng là hoàng tử Cao. Kết quả phân tích bộ hài cốt cho thấy người chết là nam giới, ở độ tuổi từ 18 - 22.
Sử gia Tư Mã Thiên (145 TCN - 86 TCN), người sống vào thời Nhà Hán, chép trong cuốn Sử ký rằng, Tần Nhị Thế Hồ Hợi lên nối ngôi sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời đã thẳng tay tàn sát các anh chị em trong gia tộc.
Doanh Cao là một trong 4 con trai của Tần Thủy Hoàng được biết đến trong lịch sử, bên cạnh Doanh Phù Tô (người bị Triệu Cao buộc tự sát), Doanh Hồ Hợi (sau lên nối ngôi) và Doanh Tương Tư (bị Hồ Hợi sát hại).
Tư Mã Thiên chép rằng, Doanh Cao đã chủ động xin được chết để đi theo Tần Thủy Hoàng với nguyện vọng được chôn ở khu lăng mộ của cha. Tần Nhị Thế được cho là đã đồng ý và còn tặng hàng ngàn đồng xu bằng đồng trong lễ chôn cất hoàng tử Cao.
Tuy nhiên, các nhà khảo cổ Trung Quốc tỏ ra thận trọng, do không rõ những gì sử gia Tư Mã Thiên chép có đúng sự thật hay không. "Sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, các con của hoàng đế đều nhận lấy kết cục bi thảm. Không rõ có ai được chôn cất một cách long trọng hay không", nhà khảo cổ Wenxiao nói.
Dù vậy, các nhà khảo cổ vẫn bày tỏ hi vọng và tiếp tục xác minh các hiện vật tìm thấy. "Lần đầu tiên sau 2.000 năm, chúng ta có cơ hội tìm hiểu xem những gì Tư Mã Thiên viết có đúng hay không", Hui Ming Tak Ted, sử gia am hiểu về thời nhà Tần và phó giáo sư tại Đại học Oxford của Anh, nói.
Theo Daily Mail, tình trạng các ghi chép thời nhà Tần bị hủy hoại và sự sụp đổ đột ngột của triều đại đã khiến các nhà khảo cổ gặp khó khăn trong việc xác định chủ nhân thực sự của ngôi mộ.