Quảng Ngãi nổi tiếng là "xứ ngàn cau" khi sở hữu hơn 2.000ha, được trồng chủ yếu tại hai huyện Sơn Tây và Nghĩa Hành. Bình thường, người dân chỉ thu hoạch trái cau để bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Còn mo cau rơi rụng khắp nơi, bị xem là phế phẩm và không có giá trị kinh tế.
Cách đây 5 năm, thấy mo cau bị người dân đốt đi rất lãng phí, anh Nguyễn Văn Tuyến (41 tuổi) trăn trở phải làm việc gì đó để biến chúng thành những sản phẩm có ích.
Tìm tòi trên mạng, anh đọc được tài liệu về các sản phẩm thân thiện với môi trường làm từ mo cau ở Ấn Độ.
Anh Nguyễn Văn Tuyến khởi nghiệp thành công với mo cau. |
"Càng tìm hiểu, tôi càng nhận thấy tiềm năng lớn từ việc sản xuất các vật dụng phục vụ sinh hoạt từ mo cau. Ý tưởng này nếu thành công vừa tăng thu nhập cho người trồng cau, vừa bảo vệ môi trường, và mang lại nguồn thu cho chính mình", anh Tuyến nhớ lại.
Nghĩ là làm, cuối năm 2019, anh Tuyến đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tại huyện Nghĩa Hành, vùng trồng cau lớn nhất Quảng Ngãi. Anh nhập máy móc từ Ấn Độ về lắp ráp, cải tiến cho phù hợp với yêu cầu sản xuất.
Để có nguồn nguyên liệu, anh thu mua mo cau của người dân với giá 1.000 đồng mỗi cái. "Thời gian đầu, mình đến tận nhà để mua mo cau mà nhiều người không tin. Giờ thì có đại lý thu mua giúp luôn", anh nói.
Mo cau được ngâm nước cho mềm rồi rửa sạch. |
Sau đó, mo cau được đưa vào khuôn ép nhiệt để tạo hình thành các loại chén, đĩa, khay, hộp cơm... |
Chén đĩa mo cau được diệt khuẩn bằng máy chiếu tia UV trước khi đóng gói. |
Theo anh Tuyến, từ tháng 3 đến tháng 10 là thời gian mo cau rụng. Trung bình một ha cau cho khoảng 12.500 chiếc mo mỗi năm. Nếu bán với giá 1.000 đồng/cái thì nông dân có thể kiếm thêm 12,5 triệu đồng mỗi năm, bên cạnh việc bán quả.
Mo cau sau khi thu gom được chà rửa sạch sẽ, ngâm nước cho mềm, để ráo và đưa vào khuôn ép nhiệt tạo hình thành chén, đĩa, thìa, muỗng, khay đựng thức ăn,... với đa dạng hình dáng, kích thước.
Mo cau được ép trong khuôn tạo hình với thời gian 40 giây, ở nhiệt độ từ 80 đến 120 độ C. Tùy vào yêu cầu của khách hàng, cơ sở chế tạo các loại khuôn ép khác nhau. Do đó, chén, đĩa,... được ép ra có hình dáng đa dạng và có thể in được hình ảnh lên sản phẩm.
"Sau khi ép mo cau thành sản phẩm sẽ được diệt khuẩn bằng máy chiếu tia UV rồi đóng gói, gửi mẫu đi kiểm nghiệm theo quy định trước khi đưa ra thị trường. Các sản phẩm này đủ độ chắc và không thấm nước, đã được khử khuẩn, đóng gói trong bao nilon ép nhiệt nên có thể đựng thức ăn, trái cây, gia vị", anh Tuyến chia sẻ.
Hơn 30 sản phẩm được làm từ mo cau. |
Xuất ngoại mo cau, được đưa lên máy bay phục vụ khách VIP
Năm 2020, anh Tuyến mang các sản phẩm làm từ mo cau của mình đến các hội chợ để giới thiệu và nhanh chóng gây chú ý với nhiều đơn hàng.
Đặc biệt, một hãng hàng không đã ký kết mua sản phẩm chén, đĩa mo cau để phục vụ cho hành khách ở khoang thương gia.
Từ thành công này, giữa năm 2021, anh Tuyến tiếp tục mở rộng sản xuất. Hiện, cơ sở tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10-12 lao động địa phương, với thu nhập từ 200.000-240.000 đồng/ngày.
Trung bình mỗi tháng, anh Tuyến cung cấp ra thị trường khoảng 500.000 sản phẩm chén, đĩa, khay ăn... bằng mo cau.
Mỗi mo cau có thể cho ra 1-4 sản phẩm tùy loại. |
Biến mo cau thành chén đĩa, anh Tuyến giúp người nông dân có thêm thu nhập. |
Giá của các sản phẩm bằng mo cau chỉ từ 1.000-4.000 đồng/cái và có thể tái sử dụng. Đặc biệt, chúng rất thân thiện với môi trường nên được thị trường các nước rất ưa chuộng. Đến nay, các sản phẩm của anh Tuyến đã xuất khẩu sang 5 quốc gia, gồm Hà Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản, giúp cơ sở có doanh thu hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.
Anh Tuyến tâm sự, khó khăn hiện nay là thị trường trong nước vẫn khá kén sản phẩm làm bằng mo cau do có sự chênh lệch với giá sản phẩm làm từ xốp, nhựa.
Mới đây, sản phẩm hộp cơm mo cau của anh Tuyến bỗng "hot" trên mạng xã hội. Do đó, tới đây anh sẽ chọn hộp cơm bằng mo cau làm sản phẩm chủ lực tại thị trường trong nước và cố gắng giảm giá ở mức thấp nhất để tiếp cận người tiêu dùng.
Anh cho hay sẽ tiếp tục nghiên cứu để tăng giá trị cho những phần khác của cây cau, để người nông dân có thể tận thu từ gốc tới ngọn.