"Vì sao ngành công nghiệp UFC trị giá tới 4 tỷ USD", trang Bleacher Report từng đặt ra câu hỏi thú vị trong bài viết vào năm 2016. Hơn 3 năm từ bài báo nói trên, ngành công nghiệp MMA (Mixed Martial Arts - võ thuật tổng hợp) đã tiến những bước dài trong công cuộc chinh phục công chúng.
Từ 4 tỷ USD vào năm 2016, Ultimate Fighting Championship (UFC) - giải đấu lớn nhất trong giới MMA - đã tăng giá trị lên nhiều, một bằng chứng cho thấy sức hút và khả năng kiếm ra tiền của môn võ tổng hợp này.
Các sự kiện UFC luôn thu hút đông người xem. |
Năm 2018, chỉ tính riêng tiền bản quyền truyền hình mà ban tổ chức UFC ký với ESPN đã có giá trị lên tới 150 triệu USD/năm. Đáng nói, bản hợp đồng trị giá 750 triệu USD mà hãng truyền hình lớn của Mỹ ký chỉ giúp họ giành quyền chiếu giải đấu này trong 5 mùa, tính từ đầu năm 2019.
Theo tạp chí Forbes, thỏa thuận ký với ESPN có thể giúp tăng doanh thu của giải UFC lên con số hơn 800 triệu USD một năm, so với doanh thu 600 triệu USD vào năm 2015.
Báo cáo thường niên của tập đoàn tài chính Moody cho biết doanh thu của giải UFC đã tăng hơn 700 triệu USD kể từ năm 2017, và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tỷ suất lợi nhuận của giải đấu hấp dẫn nhất làng võ tự do thế giới vẫn ở mức cao, Moody phân tích.
EBITDA - một chỉ số tài chính phản ánh lợi nhuận hoạt động của giải đấu - đã tăng từ 192 triệu USD năm 2015, lên tới 226 triệu USD vào năm 2016, tức tăng hơn 20%.
Theo Reuters, triển vọng xán lạn của ngành công nghiệp MMA, đặc biệt là UFC đến nhờ sức hút truyền thông mạnh mẽ. Bản hợp đồng độc quyền mà ESPN ký với ban tổ chức UFC vào năm 2018 cho thấy điều này. Nó cũng giúp xua đi lo lắng về việc UFC đang dần giảm sức hút với công chúng.
Từ những năm đầu thế kỷ 21, khi UFC tung ra các chương trình truyền hình thực tế, đơn cử như Ultimate Fighter, nó đã gây sôi sục những người hâm mộ. Các chương trình tập hợp các võ sỹ MMA, quá trình luyện tập, thử thách và thi đấu của họ đã tạo nên cơn sốt toàn cầu.
Hơn một thập niên sau, khán giả trên toàn thế giới vẫn háo hức với những màn đấu võ thuật trên sàn, hay thậm chí là những chương trình bên lề. Những sự kiện xung quanh Conor Mcgregor vài năm qua là minh chứng.
Các giải đấu UFC trên thế giới cháy vé xem trực tiếp, giá bản quyền truyền hình tăng vọt, giúp đem lại những hợp đồng tài trợ béo bở cho các nhà tổ chức. Tỷ lệ người xem và tỷ lệ người tham gia môn thể thao này đã tăng trưởng trên toàn thế giới.
Ngoài UFC, các giải đấu khác trong hệ thống MMA cũng đang phát triển. Ở thị trường châu Á, ONE Championship (ONE FC) cũng là một trong những giải đấu gây tiếng vang.
Ở châu Á, giải ONE Championship cũng phát triển rất nhanh. |
Các khán giả bây giờ không chỉ thích xem những trận đấu quyết liệt, họ còn muốn mình được tham gia vào trong đó. Các phòng tập MMA càng ngày càng mọc lên ở nhiều nơi, với số người tham gia ổn định.
Theo nghiên cứu thị trường của Technavio vào năm 2017, thị trường găng tay, thiết bị bảo vệ, luyện tập cho MMA có thể tăng tới 6%, và đạt đỉnh vào năm 2020.
Ông chủ Lorenzo Fertitta, người đã mua lại UFC vào năm 2016, tin rằng sự phát triển của UFC nói riêng và MMA nói chung là "xu thế tất yếu". Và vì thế, có lý do để nói võ MMA vẫn còn là “mỏ vàng" của làng thể thao thế giới.