Cá linh mùa nước nổi ở miền Tây được nhắc đến thường có 2 loại. Đó là cá linh ống và cá linh rìa. Nhiều nơi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn nhắc tới thêm 1 loại cá linh nữa-đó là cá linh cám. Tuy nhiên, các tài liệu và hình ảnh về loại cá linh cám này rất sơ sài và loại cá linh cám thường được nói tới đối với những người làm nghề “hạ bạc”-nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi ở miền Tây.
Cá linh-sản vật mùa nước nổi ở miền Tây. Ảnh: IT. |
Có một điều thú vị, dù chia ra làm mấy loại cá linh, nhưng đầu mùa lũ (bắt đầu từ rằm tháng 7 âm lịch) khi lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông qua biên giới Việt Nam-Campuchia tràn về miền Tây theo các ngã sông đầu nguồn tỉnh An Giang, Đồng Tháp mang theo từng đàn cá linh thì lúc này không phân biệt được loại cá linh nào với cá linh nào. Lúc này, người dân bắt cá linh đều gọi chung các loại cá linh là cá linh non.
Khi theo dòng nước lũ từ sông Mê Kông qua biên giới Việt Nam-Campuchia về tới các huyện đầu nguồn tỉnh An Giang, Đồng Tháp thì tất cả các loại cá linh đều gọi chung là cá linh non. Ảnh: VTV. |
Người dân vùng đầu nguồn như ở An Giang, Đồng Tháp nói, trong hành trình theo nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông về đến miền Tây cá linh vừa đi vừa đẻ, vừa đi vừa lớn. Cá linh đầu mùa về đến các tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp có kích thước như cái đầu đũa. Nước tràn, cá linh từ sông vào đồng và lớn rất nhanh. Lúc này mới phân biệt được đâu là cá linh rìa, đâu là cá linh ống.
Mùa nước nổi ở miền Tây thường chỉ đánh bắt được nhiều loại cá linh ống, bởi loại cá linh này chiếm tỷ lệ “áp đảo” so với loại cá linh rìa. Và khi nói tới đặc sản cá linh thì hiển nhiên là đang nói tới cá linh ống. Các đàn cá linh từ thượng nguồn sông Mê Kông theo nước lũ về miền Tây cũng phần lớn là cá linh ống. Những hình ảnh về cá linh trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng phần lớn đều là cá linh ống.
Còn cá linh rìa hiếm gặp hơn, tỷ lệ ít hơn có thân hình hơi dẹp, 2 bên hông có lằn vảy màu sậm đen. Cả 2 loại cá linh ống, cá linh rìa đều lớn lên theo con nước. Năm nào miền Tây lũ về sớm, nước lớn thì cá linh cũng về nhiều. Cả 2 loại cá linh ống, cá linh rìa đều có tập tính sống và đi theo thành đàn. Thức ăn của cả 2 loại cá linh trong nước lũ chính là rong rêu ngầm. Cũng vì tập tính này mà những dân làm nghề “hạ bạc” ở miền Tây bao đời nay chuyên bắt cá linh bằng đăng đó, giăng lưới, đặt dớn, cất vó hay là đóng đáy giữa sông.
Cùng với cá linh, bông điển điển mùa lũ là những sản vật mùa nước nổi ở miền Tây. Ảnh: Danviet. |
Cùng với bông điên điển nở vàng ruộm ở những cánh đồng tràn nước, bông súng ma, các loại thủy sản mùa lũ, cá linh rất dân dã, nhưng là một phần không thể thiếu của mùa nước nổi ở miền Tây.