Hàng ngày, sau khi kết thúc công việc thu ngân tại siêu thị, chị Nguyễn Thị Được (32 tuổi, quê Phú Thọ), hiện sống ở thành phố Yokkaichi, tỉnh Mie, Nhật Bản, về đón con gái Aya Shanshi 4 tuổi. Sau đó, hai mẹ con cùng ra vườn tưới cây, cắt tỉa, thu hoạch và vui chơi khoảng 2 tiếng.
“Tôi qua Nhật được 5 năm. Khi con gái đến tuổi ăn dặm, tôi mơ ước có vườn rau sạch tự tay vun trồng, chăm sóc để vừa có nguồn thực phẩm an toàn, vừa cho con gần gũi thiên nhiên. Từ đó, tôi bắt đầu tập tành làm nông. Aya theo mẹ trồng rau từ lúc 6 tháng tuổi”, chị Được nói với Zing.
Mỗi chiều, bé Aya hào hứng theo mẹ ra vườn chăm sóc, thu hoạch rau, củ. |
Trước kia, vợ chồng chị Được sống ở chung cư tầng 8. Vì bé Aya còn nhỏ, chị vừa địu con, vừa bê đất lên tận nơi để trồng rau.
Ban đầu, với kinh nghiệm bằng 0, chị Được trồng cây gì chết cây đó, nhiều lúc nản muốn bỏ cuộc. Sau đó, chị tham gia các hội, nhóm trồng cây trên mạng xã hội và được mọi người hướng dẫn, chỉ cách trộn đất, bón phân, chăm sóc.
Dần dần, khu vực ban công trở nên tràn đầy sức sống của rau và hoa.
Năm 2020, vợ chồng chị Được quyết định mua nhà mặt đất. Vì muốn con gái có không gian vui chơi rộng rãi, họ cải tạo mảnh sân gần 30 m2 để trồng rau.
Người mẹ trẻ trồng tất cả cây cối trong chậu nhằm tiết kiệm diện tích, dễ di chuyển và sạch sẽ.
Vợ chồng chị Được cải tạo mảnh sân nhỏ để làm nơi trồng rau, hoa và cho con gái nơi vui chơi. |
“Nhật Bản có 4 mùa khí hậu xuân, hạ, thu, đông rõ rệt như Việt Nam. Mùa đông trồng cây vất vả nhất vì tuyết phủ kín, tôi ưu tiên những loại cây chịu lạnh tốt như cà rốt, củ cải, bắp cải, cần tây, cải thảo, cải cúc, su hào, dâu tây, xà lách”, chị nói.
Theo chị Được, điều quan trọng nhất khi làm vườn là giá thể và cây giống. Giá thể đầy đủ dinh dưỡng, thoát nước tốt, cây giống khỏe, không chứa mầm bệnh sẽ cho chất lượng cao.
Để giúp cây phát triển tốt, ngoài bón lót phân gà, chị thường tưới phân ủ rác nhà bếp 1-2 lần/tuần, tỉa lá sâu bệnh và già cỗi giúp cây thông thoáng, đủ dinh dưỡng nuôi quả.
“Nhằm bảo vệ sức khỏe của cả nhà, tôi tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu, bón phân bón hóa học hay chất kích thích sinh trưởng. Từ khi có khu vườn, gia đình tôi ít phải mua rau siêu thị, bữa cơm hàng ngày luôn đầy đủ dinh dưỡng”, người mẹ nói.
Bé Aya rất thích theo mẹ ra vườn trồng rau và vui chơi. |
Vì muốn bé Aya gần gũi với thiên nhiên từ nhỏ, mỗi khi ra vườn, chị Được thường cho bé đi theo.
“Bé tỏ ra rất thích thú. Tôi thấy sự thay đổi, trưởng thành của con rất nhiều: từ một cô bé chuyên đi phá rau thì giờ có thể giúp mẹ những việc nhỏ nhặt như quét dọn, trồng rau, tưới nước; từ sợ côn trùng thì giờ lại bạo dạn hơn, biết tìm tòi khám phá”, chị kể.
Chồng chị Được thường giúp vợ di chuyển những chậu to, làm giàn cho cây leo, tưới nước, quét dọn.
Chị Được vui khi thấy sự trưởng thành của con mỗi ngày khi được gần gũi thiên nhiên. |
Trong thời gian dịch bệnh kéo dài, gia đình chị Được hạn chế ra ngoài. Thay vào đó, họ thường dựng lều, cắm trại, ăn uống tại vườn, tận hưởng thời gian thư thái sau những ngày làm việc mệt mỏi.
“Với tôi, khu vườn là nơi bản thân được thỏa sức với đam mê trồng trọt, con gái có nơi vui chơi, các thành viên trong gia đình gắn kết hơn với nhau”.
Theo chị Được, hàng xóm nơi chị sinh sống hầu như là người già. Họ chỉ trồng vài chậu hoa để trang trí cửa ra vào chứ không trồng rau như nhà chị. Bởi vậy, khu vườn nhỏ nhận được nhiều lời khen ngợi, động viên từ người xung quanh.
Khi rau, củ tươi tốt nhà ăn không hết, chị Được thường mang tặng hàng xóm, giúp gắn kết tình cảm với mọi người.